Thợ xây dựng: Bấp bênh thu nhập khá

Tốc độ đô thị hóa nhanh, ngày càng có nhiều công trình mọc lên, đồng nghĩa với việc cần rất nhiều thợ xây dựng, kể cả lao động phổ thông và thợ được đào tạo.

 Tốc độ đô thị hóa nhanh, ngày càng có nhiều công trình mọc lên, đồng nghĩa với việc cần rất nhiều thợ xây dựng, kể cả lao động phổ thông và thợ được đào tạo.

Công việc của thợ xây thường nặng nhọc, môi trường có độ nguy hiểm cao.

Làm không hết việc

Khởi đầu năm làm việc từ ngày rằm tháng Giêng, tốp thợ của anh Đỗ Công Hoàn quê ở huyện Vĩnh Bảo chưa ngày nào nhỡ việc. Là thợ cả lâu năm, anh Hoàn chủ yếu nhận xây các công trình dân dụng. Đầu năm 2010, anh nhận 3 công trình, trong đó có 1 biệt thự, tốp thợ của anh có công ăn việc làm đến hết năm. Hiện có 2 gia đình nữa đặt vấn đề nhưng anh không dám nhận thêm. Không riêng nhóm thợ của anh Hoàn mà nhiều nhóm thợ khác cũng trong tình trạng làm không hết việc. Phần lớn thợ xây dựng đến từ ngoại thành. Nếu làm công trình gần (cách nhà khoảng 10km) họ có thể đi về trong ngày, còn nếu ở xa, cùng thuê trọ, hoặc ăn, ở tại công trình.

Phần lớn thợ xây dựng ít được đào tạo bài bản, chủ yếu trưởng thành qua thực tế, người biết bảo người chưa biết, ai có “năng khiếu” thì cầm bay xây, trát, không thì đánh vữa, bê gạch, xúc cát, trộn bê tông… Trung bình, làm phụ vữa 3-5 năm, nếu chịu khó học hỏi, thợ phụ có thể trở thành thợ chính…Nhiều người gọi vui thợ xây dựng là thợ “3 dễ”: dễ tìm được việc làm vì không nhất thiết phải học; dễ kiếm tiền đối với những thợ có tay nghề cao, kỹ thuật tốt và dễ tiêu hết tiền do thường xuyên phải đi làm xa nhà nhiều ngày.

Anh Trần Văn Chính, thợ chính quê ở huyện An Lão cho biết, anh theo nghề được 15 năm, vài năm gần đây làm không hết việc. Lúc nhà có việc, muốn nghỉ vài ngày cũng khó, nghề thợ xây cho thu nhập cũng tốt” anh Chính tâm sự.

Nỗi niềm chủ, thợ

Nghề xây dựng được ví là nghề nặng nhọc, thường xuyên làm việc ở môi trường có độ nguy hiểm và rủi ro cao. Với mức trả công hiện nay ở thành phố thợ phụ 70-80.000 đồng / công, thợ chính 80-100.000đồng/ công. Nếu thợ làm tập trung ăn nghỉ tại nơi trọ được chủ thầu lo thêm cho 3 bữa ăn mỗi ngày. Tính trung bình, nếu làm liên tục, đủ công trong tháng, mỗi thợ xây dựng có thu nhập 2-3 triệu đồng. Mức thu nhập trên không phải là cao nhưng nếu biết chi tiêu và tiết kiệm cũng có thu nhập gửi về phụ gia đình. Tuy nhiên, thợ xây dựng thường không làm đủ công trong tháng, do thời tiết thất thường mưa, bão, hoặc công việc ở các công trình. Xa nhà, không ít thợ ham vui cờ bạc, đề đóm thì số tiền kiếm được cũng nhanh vơi theo mỗi ngày.

Anh Hoàn tâm sự, làm chủ thầu đau đầu nhất là phải tính toán “đầu vào, đầu ra” cho hợp lý, bố trí công việc trôi chảy, nhanh gọn. Nếu không khéo dễ bị “công toi” (không được lời) khi hoàn thành công trình. Như anh Hoàn khi nhận công trình phải lo toàn bộ các phần việc về xây, hoàn thiện, tính toán khối lượng nguyên vật liệu, sắp xếp, điều thợ giữa các công trình.  Tốp thợ xây dựng từ quê ra, đương nhiên anh Hoàn phải lo chỗ ăn, ở, kể  cả những ngày trời mưa, nhỡ việc, thợ không đi làm, chủ thầu vẫn phải bao tất. Anh Hoàn bảo, sợ nhất là những ngày mưa bão, nếu nghỉ cỡ 1 tuần thì “lẹm vốn” ngay.

Dù là lao động phổ thông hay được đào tạo, điều đáng quý ở người thợ xây dựng chính là tính chăm chỉ, chịu khó, khổ, nhọc nhằn, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình làm nên những công trình làm đẹp cho người dân, cho xã hội.

                                                                        Bài và ảnh Phương Nam

Đọc thêm