Ủy viên tư pháp châu Âu Viviane Reding cảnh báo thỏa thuận thương mại rất được chờ đợi giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có thể bị hủy hoại vì các cáo buộc Washington đã nghe lén các văn phòng của EU.
Cáo buộc Mỹ đã nghe lén các phái đoàn ngoại giao của EU được tờ tuần báo Đức Der Spiegel công bố ngày 30/6, dựa trên tài liệu do cựu nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cung cấp. Der Spiegel đưa tin, một tài liệu - được đề tháng 9/2010 và được liệt vào dạng tuyệt mật - đã miêu tả cách thức NSA theo dõi phái đoàn ngoại giao của EU tại Washington.
Theo các tài liệu mà tờ Guardian của Anh đã được tiếp cận, các văn phòng của EU tại Washington đã bị các điệp viên của Mỹ cài bọ nghe lén. Việc theo dõi này là một phần của chiến dịch “Perdido”, được thiết lập nhằm tìm hiểu về những mối bất hòa giữa các nước thành viên EU.
|
Ủy viên tư pháp châu Âu Viviane Reding. Ảnh: Internet |
Cũng theo tờ Der Spiegel, phái đoàn EU tại Liên hợp quốc cũng là mục tiêu của chương trình theo dõi tương tự. Phạm vi theo dõi cũng đã được mở rộng tới trụ sở của EU tại Brussels. Ngoài ra, các mật vụ của Mỹ cũng bị tố đã nhắm tới Đức nhiều hơn bất cứ nước nào trong khối EU. Dẫn các số liệu trong các tài liệu của NSA, tạp chí này cho biết có đến hơn nửa tỉ liên lạc tại Đức, gồm có các cuộc điện thoại, email, tin nhắn và tán gẫu qua internet, đã bị nghe lén mỗi tháng.
Đến ngày 1/7, tờ Guardian của Anh lại tiết lộ rằng Mỹ cũng đã nhắm tới 38 đại sứ quán và cơ quan đại diện “mục tiêu” trong các chiến dịch do thám do NSA tiến hành.
Ngoài các nước khác biệt về tư tưởng truyền thống và các nước nhạy cảm ở Trung Đông, danh sách các mục tiêu của tình báo Mỹ còn có các đại sứ quán Pháp, Italia và Hy Lạp, cùng một số nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các phương pháp gián điệp được Mỹ tiến hành bao gồm cài bọ lên các thiết bị liên lạc điện tử cho đến sử dụng các ăng-ten chuyên dụng
Brussels, Paris và Berlin ngày 30/6 đã phản ứng một cách giận dữ trước thông tin mà tờ Der Spiegel cung cấp. Còn Ủy viên tư pháp EU Viviane Reding thì cảnh báo rằng các cuộc đàm phán nhằm tạo ra một khu vực tự do thương mại (FTA) lớn nhất thế giới, đã được chính thức khởi động từ đầu tháng 6 vừa qua, có thể bị hủy hoại nếu các cáo buộc nghe lén được chứng minh là đúng sự thực.
“Chúng tôi không thể đàm phán về một thị trường xuyên Đại Tây Dương nếu có bất kỳ nghi vấn nào rằng các đối tác của chúng tôi đang theo dõi các văn phòng của các nhà thương thuyết châu Âu” – bà Reding tuyên bố. Ủy ban châu Âu trong một tuyên bố cho biết đã ngay lập tức liên lạc với giới chức Mỹ tại Washington và tại Brussels để đối chất về các thông tin báo chí đã đăng tải.
Trước những phản ứng giận dữ này, Mỹ ngày 30/6 cho biết sẽ trả lời về các cáo buộc nghe lén tới EU thông qua các kênh ngoại giao. “Chúng tôi sẽ không bình luận công khai về một cáo buộc cụ thể về các hoạt động tình báo nhưng chúng tôi muốn nói rõ rằng, về mặt chính sách, Mỹ thu thập thông tinh tình báo theo cách hoàn toàn giống mọi quốc gia khác” – Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ trong một tuyên bố khẳng định.
Các thông tin nói trên là những tiết lộ mới nhất trong một loạt các cáo buộc về hoạt động do thám của Mỹ. Snowden hiện vẫn đang mắc kẹt tại điểm quá cảnh của sân bay quốc tế Sheremetyevo tại Matxcova, Nga trong thời gian chờ đợi một nước nào đó chấp nhận đơn xin tị nạn của anh ta sau khi Mỹ ban hành lệnh truy nã và hủy hộ chiếu của anh ta.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói rằng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quito từ chối đơn xin tị nạn của Snowden. Ông Correa nói rằng số phận của Snowden hiện nằm trong tay người Nga vì Quito không thể xử lý đơn xin tị nạn của anh ta cho đến khi anh ta có mặt trên đất Ecuador.
Minh Ngọc (tổng hợp)