Thời cơ cho xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản nước ta vừa trải qua thời gian dài gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi, cùng với những chính sách hiệu quả từ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), trong những tháng đầu năm 2010, hoạt động xuất khẩu thủy sản đã có những bước đi vững chắc.

Xuất khẩu thủy sản nước ta vừa trải qua thời gian dài gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi, cùng với những chính sách hiệu quả từ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), trong những tháng đầu năm 2010, hoạt động xuất khẩu thủy sản đã có những bước đi vững chắc.

Những tín hiệu lạc quan

Bước sang năm 2010, nhiều tín hiệu mới cho thấy, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có kết quả khả quan. Nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi tốt kéo theo nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản cũng tăng lên, nhất là các nước như: Mỹ, Nhật, EU... Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2010, ngành thủy sản của Việt Nam có nhiều khả năng xuất khẩu hơn 500 nghìn tấn cá tra và hơn 200 nghìn tấn tôm. Ngoài các thị trường truyền thống, dự báo xuất khẩu sang các nước châu Mỹ la-tinh sẽ tăng cao trong năm 2010. Bên cạnh đó, Bắc Phi, Trung Đông... cũng là thị trường đầy tiềm năng. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2010 đạt 4,5 tỷ USD là điều có thể làm được. Bộ Công thương cũng nhận định, năm 2010, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu thủy sản sang các nước EU. Mỗi năm, các nước này có trị giá nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm với các mặt hàng như: cá tuyết, cá tra, tôm đông lạnh và cá ngừ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của nước ta mới chỉ đạt 3% kim ngạch nhập khẩu vào khu vực này. Trong năm nay, dự kiến xuất khẩu vào thị trường này đạt khoảng 3,5% (tương đương 1,4 tỷ USD).

Cty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) với hơn 2 ha đất chuyển đổi nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm thu lãi 500-600 triệu đồng./.  Ảnh: Đức Hoa
Cty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) với hơn 2 ha đất chuyển đổi nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm thu lãi 500-600 triệu đồng.
Ảnh: Đức Hoa

Kể từ ngày 1-10-2009, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã chính thức có hiệu lực, theo đó, hơn 86% lượng hàng nông, thủy sản của nước ta được hưởng ưu đãi lớn về thuế, trong đó các mặt hàng tôm được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1 đến 2%. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam vừa qua đã được một số nước công nhận, đánh giá cao về chất lượng. Với những thuận lợi đó, VASEP cho biết: trong bốn tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng trưởng với mức tăng 17,8 đến 41,1% so cùng kỳ năm 2009. Tính đến hết tháng 4-2010, ngành thủy sản đã xuất khẩu sang 163 thị trường với hơn 85 loại sản phẩm khác nhau. Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu sang nhiều thị trường chính vẫn tăng; các mặt hàng xuất khẩu chính đều tăng về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mặt hàng cá ngừ có mức tăng đột biến 147,2% so cùng kỳ. Các mặt hàng khác như: tôm đông lạnh, cá ba-sa, cá tra, mực, bạch tuộc... cũng đều có mức tăng trưởng cao.

Tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu

Tuy hoạt động xuất khẩu thủy sản đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng những khó khăn vẫn còn nhiều. Cụ thể: các thị trường tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm, xu hướng bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ sẽ là những trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy định chống đánh bắt thủy sản trái phép (gọi tắt là IUU) bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 gây khó khăn cho ngư dân và DN xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU; sự cạnh tranh của các nước trong khu vực như: Ấn Độ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các thông tin từ các tổ chức nước ngoài xuyên tạc, sai sự thật một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng gây những bất lợi nhất định trong xuất khẩu thủy sản.

Trong những năm qua, Bộ NN và PTNT chủ trương tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lương Lê Phương khẳng định: Chính phủ và Bộ NN và PTNT sẽ dành nhiều ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị nước ngoài có dự án liên kết đầu tư với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc tham gia xây dựng các chuỗi liên kết ngành thủy sản. Bộ NN và PTNT cũng khuyến khích các DN nước ngoài cùng kết hợp với các DN thực hiện chiến lược kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Ngành thủy sản Việt Nam đã được Chính phủ và Bộ NN và PTNT xác định là ngành kinh tế thế mạnh để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhằm giảm nhập siêu. Chính phủ đã tích cực đề ra những cơ chế chính sách, chiến lược phát triển nhằm đầu tư nâng cao năng lực, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản và là động lực quan trọng thúc đẩy nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đưa Việt Nam nằm trong top 10 các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường đánh giá, kiểm tra chặt chẽ các khâu chế biến, trong chế biến và sau chế biến để nâng cao tính cạnh tranh và bảo vệ uy tín sản phẩm thủy sản xuất khẩu./.

Trần Quang Quý
theo Báo Nhân Dân

Đọc thêm