[links()] Trong bối cảnh hiện nay, nhất là để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49, việc xúc tiến thành lập tòa án chuyên trách về người chưa thành niên đã được xác định là rất cần thiết và đây là thời điểm thích hợp. Viện Khoa học xét xử (TANDTC) được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.
Phù hợp việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến phân tích: Người chưa thành niên là người còn hạn chế về nhận thức hành vi của mình, dễ bị kích động, xúi giục lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, trong trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị xâm phạm thì cần có cơ chế, biện pháp xử lý phù hợp để mang tính răn đe, trừng phạt, đồng thời mang tính giáo dục giúp đỡ các em trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
“Các TAND như hiện nay xét xử người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc xét xử các vụ việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên khi bị xâm phạm không còn phù hợp đòi hỏi cần phải có tòa án chuyên trách để xét xử những vụ án liên quan tới người chưa thành niên. Hơn nữa, Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp thì việc tổ chức, thành lập tòa án trẻ vị thành niên đã chín muồi và phù hợp với xu thế” - ông Luyến nhấn mạnh.
Tán thành với ông Luyến, Chánh Tòa Dân sự (TANDTC) Hoàng Văn Liên chia sẻ thêm, người chưa thành niên dễ có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục thời gian gần đây gia tăng một cách đáng lo ngại nên cũng rất cần được ưu tiên bảo vệ. Theo ông Liên, đã đến lúc cần phải lập Tòa án gia đình và trẻ vị thành niên để giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hình sự và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt cam kết chính trị của Nhà nước ta khi tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.
Băn khoăn với mô hình
Tại cuộc tọa đàm tham vấn chính sách cho Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên được tổ chức mới đây, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử Nguyễn Văn Cường lý giải: Với tên gọi này, Tòa án gia đình và người chưa thành niên không phải là “Tòa án đặc biệt”, cũng không phải được lập thành một hệ thống tòa án độc lập, song song với hệ thống TAND. Việc thành lập Tòa án này là để chuyên xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên. Vì vậy, xét về bản chất, đây là loại Tòa chuyên trách nằm trong hệ thống TAND.
Ngoài ra, cũng theo ông Cường, trường hợp TANDTC có các tòa chuyên trách như Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế để thực hiện chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì cần thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên theo quy định của pháp luật tố tụng. Đối với trường hợp không còn Tòa chuyên trách trong tổ chức của TANDTC thì cần có các thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực gia đình và trẻ vị thành niên để phân công chủ trì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án có liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên. Hội đồng được thành lập theo pháp luật tố tụng khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không phải là một tổ chức được thành lập để hoạt động thường xuyên.
Đa số đều đồng tình với tên gọi cũng như mô hình của Tòa án gia đình và người chưa thành niên nêu trên, nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tên gọi và phạm vi thẩm quyền của Tòa án này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho rằng, việc gọi “Tòa án gia đình và người chưa thành niên” dẫn đến sự hiểu lầm ở Việt Nam vừa có TAND vừa có Tòa án gia đình và trẻ vị thành niên cùng song song tồn tại. Ông Luật kiến nghị nên sửa là “Tòa gia đình và trẻ vị thành niên trong TAND ở Việt Nam”. “Tên gọi như vậy mới phù hợp với bản chất, vị trí của Tòa chuyên trách theo tinh thần cải cách tư pháp”- ông Luật nói.
PGS, TS. Hoàng Thị Minh Sơn (Đại học Luật Hà Nội) khẳng định, quy định thẩm quyền của Dự thảo Đề án là quá rộng và khó khả thi. Nếu xác định thẩm quyền Tòa án gia đình và người chưa thành niên là xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và trẻ em theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự hoặc các việc khác theo quy định của pháp luật mà không giới hạn phạm vi thì đòi hỏi thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính…
Theo bà Sơn, nên chăng chỉ xác định thẩm quyền của Tòa trong việc giải quyết các vụ án hình sự khi có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên và trước mắt cũng chỉ thành lập thí điểm một số Tòa chuyên trách đối với người chưa thành niên ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để rút kinh nghiệm và làm cơ sở cho việc nhân rộng.
Sơn Lâm