30 năm đổi mới- Vẫn tiếp tục “dò đá qua sông”

(PLO) - Ghi nhận những thành tựu của quá trình 30 năm đổi mới nền kinh tế ở Việt Nam song nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự đúc rút, tổng kết để có bước đi bài bản hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế

Không thể phủ nhận thành tựu 30 năm đổi mới, nhưng còn rất nhiều vấn đề đang được các chuyên gia đề cập tới
Không thể phủ nhận thành tựu 30 năm đổi mới, nhưng còn rất nhiều vấn đề đang được các chuyên gia đề cập tới

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo khoa học “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” do Ban Kinh tế  TW hợp với Trường Đại học Mở TP HCM tổ chức hôm qua (30/9)

Mô hình chưa có tiền lệ

Theo Phó Trưởng và Ban Kinh tế TW Nguyễn Ngọc Bảo, mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trên thế giới và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN. Đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Phó Trưởng và Ban Kinh tế TW cũng cho rằng, trong quá trình phát triển mô hình KTTT định hướng XHCN, chúng ta gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót. Quá trình chuyển đổi sang KTTT ở nước ta còn chưa hoàn tất; những thách thức và rào cản còn rất lớn trong cả nhận thức, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Về xây dựng thể chế, chế độ sở hữu, quản lý, phân phối chưa bắt kịp với yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Sự phát triển về quy mô, cơ cấu và trình độ các loại thị trường còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chính vì mô hình “chưa có tiền lệ”, theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển , quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã trải qua thời gian 30 năm và còn đang tiếp tục, với cách làm cơ bản là theo kiểu “dò đá qua sông”.

Đồng tình với một số kết quả tích cực  đạt được sao 30 năm đổi mới, PGS.TS. Bùi Tất Thắng đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém.Đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế còn chậm, thiếu kiên quyết; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế..

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên được chuyên gia này chỉ ra chủ yếu là do nhận thức về KTTT định hướng XHCN, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, DNNN, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,... chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. 

“Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với KTTT nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển…”- PGS.TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý

Dẫn chứng thị trường lao động, PGS.TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng,  thực tế của Việt nam cho thấy, tư duy nóng vội, muốn phát triển thị trường lao động “hiện đại” thường coi nhẹ thị trường lao động nông thôn, không thừa nhận hoặc “coi thường” thị trường lao động phi chính thức trong khu vực đô thị, cả về phát triển hệ thống lý luận lẫn hệ thống chính sách thực thi, hoặc chỉ coi là có mối quan hệ rất lỏng lẻo với thị trường lao động thành thị, là “thời kỳ quá độ”, song không chỉ rõ rằng thời kỳ quá độ này là bao lâu? “Điều này dẫn đến sự khiếm khuyết trong việc đưa ra hệ thống chính sách, thông thường chỉ tập trung vào thị trường chính thức…”- Vị chuyên gia này nhận định.

Trương tự, với các thị trường tài chính, công nghệ… vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều cơ hội của hội nhập vẫn chưa được phát huy. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Thuận, Khoa Tài chính Quốc tế Học Viện Tài chính, tham gia TPP, không chỉ các ngành kinh tế như: dệt may, nông nghiệp sẽ là các ngành được hưởng lợi mà TPP cũng sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi cho việc phát triển thị trường các dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ tài chính mới. Vấn đề là chúng ta làm gì đển phát huy những cơ hội đó…

Theo TS. Hoàng Xuân Hòa ,Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế TW, quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN đến nay đã nhận thức ngày càng rõ hơn về mục tiêu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền KTTT định hướng XHCN. 

“Tới đây, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN, dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế…”- TS. Hoàng Xuân Hòa nhấn mạnh.

Được biết, các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được  Ban Kinh tế TW chắt lọc, hoàn thiện nội dung Đề án “Phát triển các loại thị trường trong nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế”, kết quả nghiên cứu của đề án sẽ trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ra văn bản phù hợp để vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung…

Đọc thêm