​ 5 người chết, 4 người mất tích, lũ miền Trung có khả năng lên lại

(PLO) -  Sáng nay (15/10), tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, lũ trên thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang dao động ở mức đỉnh, sau đó xuống chậm và có khả năng lên lại.
​  5 người chết, 4 người mất tích, lũ miền Trung có khả năng lên lại

Lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đang xuống chậm; sông La, hạ lưu sông Ngàn Sâu và sông Cả đang lên.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho biết, hiện nay, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên nhanh theo triều cường. Mực nước cao nhất ngày 14/10 trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,00m (dưới BĐ1 0,5m), tại Mỹ Thuận: 1,68m (dưới BĐ2 0,02m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,68m (dưới BĐ1 0,32m), tại Cần Thơ 1,74m (trên BĐ1 0,04m), trên sông Sài Gòn tại Phú Yên, dưới BĐ3 0,03m).

Dự báo, mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn tiếp tục lên. Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt mức cao nhất năm vào ngày 19-20/10 và ở xấp xỉ BĐ1 (trên sông Tiền tại Tân Châu 3,4m, dưới BĐ1 0,1m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,0m, ở mức BĐ1). Mực nước một số trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, đặc biệt khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh. Rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ 19h00’ ngày 14/10 đến 07h00’ ngày 15/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-150mm.

Dự báo, ngày và đêm 15/10: Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa vài nơi. Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Đà Nẵng đến Bình Thuận: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi. Tây Nguyên và Nam Bộ: Có mưa rào và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh.

 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 29/CĐ-TW ngày 14/10/2016 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành để chủ động đối phó với mưa lũ ở Bắc Trung Bộ và diễn biến của bão Sarika.

Ngay trong tối 14/10, Tổng cục Thủy lợi đã cử 02 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó mưa, lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, bão, thường xuyên ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và bão gần biển Đông, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố.

Tại địa phương, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đang theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, triển khai các biện pháp kịp thời ứng phó (Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo). Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần theo dõi diễn biến của bão Sarika để chuẩn bị các phương án ứng phó và thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-TW ngày 14/10/2016 của BCĐ TW PCTT.

Các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động ứng phó với các tình huống mưa, lũ, triều cường.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 14/10 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng ATNĐ và mưa lũ tính đến 20h ngày 14/10 rất lớn. Đã có tới 5 người chết (Quảng Bình 3, Thừa Thiên Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7) trong mưa lũ. Thiệt hại về nhà cửa, hoa màu là rất lớn. 

Đọc thêm