Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nạn nhân bị bạo lực giới

(PLO) - Hiện nay, vấn đề “bạo lực về khía cạnh giới” là một hiện tượng xã hội đang được rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các nhà quản lý, nhà làm luật và đông đảo người dân quan tâm. Vấn đề này cũng đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo tăng cường các giải pháp hợp lý giải quyết khi xảy ra bạo lực và là một nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận tại Diễn đàn pháp luật “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế” do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 15/9 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn pháp luật
Toàn cảnh Diễn đàn pháp luật

Nguyên tắc nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước

Ở Việt Nam, pháp luật về bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở về giới ngày một hoàn thiện, đầy đủ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các văn kiện quốc tế đã ký kết tham gia. Nổi bật là Hiến pháp năm 2013 quy định “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (khoản 3 Điều 26). Theo đó, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo hộ không phân biệt đối xử là nam hay nữ.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 nghiêm cấm hành vi cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; bạo lực trên cơ sở giới và các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Do vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tội “xâm phạm quyền bình đẳng giới của phụ nữ” (Điều 130) thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung thành tội “xâm phạm quyền bình đẳng giới”. Sự thay đổi trên không chỉ nâng cao quyền lợi cho nữ giới mà còn là đảm bảo sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa nam giới và nữ giới trong xã hội. Thực tiễn xét xử tội danh này và các vụ việc có liên quan đến bạo lực về khía cạnh giới, TAND luôn chú trọng tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự, không có sự phân biệt giữa các đối tượng là nam giới hay phụ nữ. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn rất nhiều điều, nội dung quy định về tăng nặng trách nhiệm hình sự có liên quan đến vấn đề giới của nạn nhân.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm công lý với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới cũng được quy định cụ thể ở Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi. Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi… Có thể thấy, việc công nhận, thực thi, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới nói riêng là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước.

Xem xét, đánh giá để bảo đảm tốt nhất quyền của phụ nữ

Tuy nhiên, trong thực tế, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bạo lực về khía cạnh giới không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến người khác và được thể hiện ở nhiều góc độ, nhiều phương diện của đời sống xã hội như diễn ra trong gia đình, nhà trường, công sở. Chẳng hạn, có hiện tượng không chăm sóc bà mẹ mang thai trẻ có giới tính nữ, giết trẻ sơ sinh là gái, có vấn đề trong chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ gái, rồi nạn xâm hại tình dục trẻ em gái…, thậm chí phụ nữ khuyết tật, thiểu năng về nhận thức, hành động bị lạm dụng. Khi tuổi già, nhiều chị em bị bỏ rơi, phụ nữ góa chồng cũng bị lạm dụng, xâm phạm. Nam giới và trẻ em trai có thể là nạn nhân bị bạo lực về giới, nhưng phổ biến vẫn là phụ nữ và trẻ em gái.

Trong khi chúng ta chưa có khái niệm chung về bạo lực giới thì hệ thống pháp luật về vấn đề này còn rất tản mạn, khó theo dõi, chưa đầy đủ các khía cạnh của bạo lực giới (như bạo lực về giới liên quan đến tinh thần). Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đang có tình trạng chia cắt, không thông suốt. Theo đó, vấn đề về gia đình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì quản lý vấn đề giới, trẻ em; vấn đề thanh niên lại thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật còn hạn chế như thiếu kinh phí, cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Các giải pháp tổ chức thực hiện và theo dõi thi hành pháp luật cũng chưa tốt. Về thống kê, điều tra xã hội học, chưa có thống kê về các vụ việc liên quan đến bạo lực giới theo chỉ tiêu, trong đó có nạn nhân là nữ, trẻ em gái;… 

Mặc dù vậy, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, quá trình xét xử, giải quyết các vụ án nói chung, đặc biệt vụ việc về hình sự, hôn nhân và gia đình, lao động thì các Tòa án đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật tố tụng, đảm bảo giải quyết tốt các loại vụ việc đúng quy định của pháp luật về mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ. Có điều, “đối với các đối tượng bị can, bị cáo, đương sự là phụ nữ, Tòa án luôn xem xét, đánh giá cụ thể trong từng loại vụ việc, hoàn cảnh để bảo đảm tốt nhất quyền của phụ nữ nói riêng” – bà Hiền chia sẻ. Bà Hiền cũng thông tin, hiện TANDTC đang xây dựng một số Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Thông tư của Chánh án TANDTC, Thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và một số bộ, ngành có liên quan để thực hiện các giải pháp về chống bạo lực về giới trong quá trình xét xử của Tòa án. TANDTC còn quy định mô hình phòng xét xử mới, tổ chức phiên tòa theo mô hình thân thiện… 

Đọc thêm