Bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong Quốc hội: Chất lượng cán bộ vẫn là hàng đầu

(PLVN) - Khi lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - dù là người dân tộc thiểu số thì vẫn phải dựa vào chất lượng. Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Những người không có năng lực và khả năng vận động thì không nên cơ cấu tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Cử tri đồng bào Êđê đi bầu cử. (Ảnh minh họa)
Cử tri đồng bào Êđê đi bầu cử. (Ảnh minh họa)

“Đốt đuốc” tìm nhân sự

Theo ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vừa qua, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thường chiếm tỷ lệ rất cao, đây là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện và bảo đảm quyền chính trị của công dân nói chung.

Việc người DTTS tham gia bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân cũng đạt thành tựu đáng kể, tăng cả về số lượng, chất lượng qua từng nhiệm kỳ. Số lượng ĐBQH người DTTS đã tăng theo các khóa: Khóa I (1946) chiếm 10,2%; Khóa XIII chiếm 15,6%; Khóa XII đạt cao nhất là 17,7%; Khóa  XIV có 86 ĐBQH  là người DTTS thuộc 32 dân tộc khác nhau, chiếm tỷ lệ 17,3%.

Quy định về số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021, nêu rõ: Đại biểu là người DTTS bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách người ứng cử ĐBQH. “Tuy nhiên, trong 14 nhiệm kỳ qua, chưa nhiệm kỳ nào số đại biểu người DTTS đạt tỷ lệ 18% so với tổng số ĐBQH” - ông Giàng A Chu cho hay. Hiện nay còn 4 dân tộc (Lự, Ơ đu, Brâu và Ngái) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu để các dân tộc đều có ĐBQH. 

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo tỷ lệ người DTTS trong Quốc hội những năm qua, ông Giàng A Chu nhận định, do nhiều nguyên nhân khác nhau - cả chủ quan và khách quan, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn thấp. Số lượng có trình độ đại học, cao đẳng và đặc biệt là trên đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số. Công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có khó khăn đặc thù, nhận thức của đồng bào còn hạn chế; phong tục, tập quán còn nặng.

Đáng chú ý, một số ứng viên ĐBQH chưa hội đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong bầu cử theo cơ cấu, thành phần, mang tính đại diện trong Quốc hội.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có vì đảm bảo cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn của ĐBQH người DTTS hay không? Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Giàng A Chu khẳng định, không chỉ các cơ quan chức năng mà các địa phương đều cần các đại biểu có trình độ. Do vậy, trình độ của đại biểu ít nhất phải từ cấp 2 trở lên.

“Trình độ học vấn ít nhất cũng từ trung cấp trở lên mới có thể hoàn thành nhiệm vụ” - ông Chu nói. Nếu không đảm bảo tiêu chí về trình độ thì sẽ không hoàn thành việc các DTTS có “chân” trong Quốc hội. Nhiều khi, lãnh đạo tỉnh phải “đốt đuốc” đi tìm nhân sự, khi có nhân sự rồi thì lúc đó mới chỉ đạo MTTQ Việt Nam hiệp thương để đảm bảo thành phần, cơ cấu. 

“Nhưng dù có quy định cơ cấu thành phần như thế nào, dù DTTS hay đa số thì chất lượng vẫn là cơ bản; các yếu tố tiêu chí để đảm bảo về chất lượng cán bộ vẫn là hàng đầu” - ông Chu khẳng định. “Nếu là DTTS, có thiếu thì cũng thiếu ít tiêu chí mà thôi. Chúng tôi cũng đã kiến nghị trong các bước hiệp thương của MTTQ các cấp để lựa chọn các ứng cử viên là người DTTS để ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, đề nghị không nên để một đại biểu người DTTS “gánh” quá nhiều tiêu chí (như trẻ, ngoài đảng, nữ...), như thế sẽ không đảm bảo chất lượng đại biểu khi trúng cử”.

Quan tâm những cán bộ có tiềm năng

Nhấn mạnh yêu cầu về kỹ năng tham gia hoạt động, tiếp xúc của ĐBQH và đại biểu HĐND, ông Giàng A Chu cho biết, chất lượng đại biểu còn phụ thuộc vào năng lực, nhận thức, kỹ năng và sự mạnh dạn. Trên thực tế, có một số đại biểu người DTTS thiếu tính mạnh dạn. Dù có trình độ đại học, thạc sỹ nhưng không mạnh dạn trong phát biểu. Vì thế, khi lựa chọn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thì phải dựa vào chất lượng. “Những người không có năng lực, không có khả năng vận động thì không nên cơ cấu tham gia vào ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp” - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh. 

Trên tinh thần đó, khi đề cập đến các giải pháp bảo đảm tỷ lệ người DTTS trong Quốc hội, ông Giàng A Chu cho rằng cần chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên. Cụ thể, lần này ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là người dân tộc ở các địa phương miền núi, vùng DTTS phần lớn đều tham gia lần đầu, hoạt động kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong vận động tranh cử, điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế. Vì vậy, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho những người này.

Tại Hội nghị, các ứng cử viên được lĩnh hội, trao đổi, thảo luận về 5 nhóm nội dung cần thiết, trong đó có kỹ năng vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng; kỹ năng xây dựng, trình bày chương trình hành động; kỹ năng tiếp xúc báo chí, trả lời phỏng vấn và trình bày chương trình hành động của ứng viên trên các phương tiện phát thanh, truyền hình...

Điểm nhấn là chương trình tập huấn tiến hành thực hành các bài tập trả lời phỏng vấn báo chí, ghi hình phát biểu trình bày chương trình hành động trên truyền hình, tình huống trả lời câu hỏi của cử tri trong cuộc tiếp xúc vận động tranh cử... Đây là những nội dung quan trọng nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng và tăng cường bản lĩnh cho các ứng cử viên.

Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cũng là giải pháp vô cùng quan trọng, nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nêu cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có uy tín tham gia ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân; làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Việc tăng cường sự tham gia của đại diện người DTTS vào Quốc hội và cơ quan dân cử ở các địa phương là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng là công việc khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ từ khâu phát hiện, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn cán bộ theo quy định chung của Đảng và Nhà nước.

“Về lâu dài, cần quan tâm đối với đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS... Đối với cán bộ có tiềm năng nhưng còn thiếu tiêu chuẩn thì cần đưa vào chương trình, kế hoạch đào tạo để đảm bảo nhu cầu cán bộ, công chức, trong đó có các cơ quan dân cử. Cơ cấu cán bộ dân tộc phấn đấu tương ứng với cơ cấu dân số từng vùng, miền...” - ông Giàng A Chu đề xuất.

Theo ông Giàng A Chu, Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 DTTS với hơn 14 triệu người. Hiện nay, có 56/63 tỉnh, thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào DTTS sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, buôn, bản, phum, sóc... Do vậy, việc tham gia của đại diện DTTS có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp nói chung và cơ quan dân cử nói riêng. “Công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào DTTS, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật”.

Đọc thêm