Bảo vệ người cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng

(PLO) - Hôm qua (4/3), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Lê Thành Long trao thưởng cho các cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng.
Thứ trưởng Lê Thành Long trao thưởng cho các cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ít xảy ra tham nhũng

Theo Bộ Tư pháp, trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp ít xảy ra tham nhũng, đã phát hiện và xử lý 22 trường hợp. Công tác thanh tra của Bộ đã được xây dựng tập trung vào một số lĩnh vực công tác dễ dẫn đến có những sơ hở hoặc nhũng nhiễu làm nảy sinh hành vi tham nhũng như công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản… nhằm chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc, kịp thời hạn chế tồn tại.

Qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 quyết định thu hồi với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Số việc thi hành án trong các vụ án tham nhũng có xu hướng tăng lên, nhất là trong 5 năm gần đây tăng khá nhanh, năm 2013 có 143 việc thì đến năm 2015 là 227 việc.

Đặc biệt, trong hai năm 2014, 2015 đưa ra xét xử những vụ đại án tham nhũng, với giá trị về tiền phải thi hành đặc biệt lớn. Nhưng, tỷ lệ thi hành về tiền của năm 2015 chỉ đạt 2,31%, rất thấp so với tỷ lệ thi hành về tiền của toàn ngành Thi hành án dân sự (THADS) là 76%.

Tuy nhiên, mục tiêu của công tác PCTN là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng so với thực trạng vẫn còn khoảng cách. “Hành vi tham nhũng hiện nay được đánh giá là diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc phát hiện, xử lý còn hạn chế. Việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn chưa làm tốt, việc kê khai tài sản hiện nay còn nặng về hình thức”, Quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện cho biết.

Trong khi đó tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện công việc và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn bất cập. Nhất là cơ quan thanh tra, khi phát hiện hành vi tham nhũng phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra dẫn đến chưa kịp thời trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thậm chí, sau khi chuyển hồ sơ không khởi tố, không thông tin “hồi đáp” dễ dẫn đến tâm lý “lười” chuyển hồ sơ.

Tăng cường kiểm tra

Sửa đổi toàn diện Luật PCTN hiện hành là một trong những đề xuất được Bộ Tư pháp đề cập để thực hiện tốt hơn công tác này. Trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật theo hướng mở rộng khái niệm quà tặng, bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợi ích khác, quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà tặng…; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sự việc tham nhũng. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin vụ việc tham nhũng nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ, công chức mạnh dạn tố cáo tham nhũng.

Từ kinh nghiệm trong PCTN ở đơn vị mình, Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Nguyễn Quang Thái cho rằng, quan trọng là phải làm tốt công tác phòng ngừa. “Ở Hà Nội, quy trình luân chuyển, điều động cán bộ với những tiêu chí rõ ràng nên nhìn vào đó mỗi cán bộ thi hành án biết mình phải làm gì. Quá trình thi hành án lãnh đạo Cục cũng trực tiếp kiểm tra, có biểu hiện tiêu cực là lập Đoàn kiểm tra”, ông Thái cho biết.

Còn ông Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thì kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực này theo hướng thuận tiện cho tổ chức, công dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác PCTN của Bộ, trong đó đầu mối là Thanh tra Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ ra những khó khăn rất đặc thù của công tác PCTN, Thứ trưởng yêu cầu nội bộ các đơn vị tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế đã ban hành; tăng cường kiểm tra hoạt động tại các Chi cục THADS để tránh tình trạng nhũng nhiễu; thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục chú trọng vấn đề đạo đức công chức, cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức.

Bộ Tư pháp cũng sẽ cố gắng trong việc nghiên cứu, đề xuất các quy định của pháp luật phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.

Đọc thêm