Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc tại Bắc Kạn: Tư pháp cần tham mưu sâu hơn các vấn đề pháp lý

(PLO) - Ngày 7/8, mở đầu các chuyến công tác các tỉnh miền núi, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. 
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn.
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Du, Phó Bí thư thường trực Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành trên địa bàn.

Tư pháp khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp Đoàn của Bộ trưởng lên thăm và làm việc với Bắc Kạn. Là tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục để đưa kinh tế phát triển. Đây là dịp để Bộ trưởng cùng đoàn công tác lắng nghe, chia sẻ và cùng chung tay, quan tâm hơn đến Bắc Kạn trong thời gian tới.

Với lợi thế giao thông khá  thuận lợi, có vị trí trung chuyển quan trọng giữa các tỉnh miền xuôi với biên giới Việt - Trung, tài nguyên đất rừng và rừng cũng như các danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa phong phú…những năm gần đây đã giúp kinh tế xã hội Bắc Kạn phát triển, đặc biệt năm 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải cho biết, 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 4% so với cùng ký 2016; sản xuất nông lâm nghiệp đạt khá; sản xuất công nghiệp ổn định; thị trường hàng hóa, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.. Các lĩnh vực khác như văn hóa xã hội, tài chính ngân hàng, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, quốc phòng an ninh được bảo đảm, phát triển. 

Về công tác tư pháp, Chủ tịch tỉnh đánh giá: ngành Tư pháp đã phát huy vai trò trong việc tham mưu cho tỉnh các vấn đề về pháp lý. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được tỉnh đặc biệt quan tâm, văn bản do địa phương ban hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực; Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)  được quan tâm, đẩy mạnh; Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được tăng cường và hoạt động hiệu quả. Chất lượng hoạt động và tổ chức các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả công tác cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Về công tác Thi hành án dân sự (THADS), 9 tháng đầu năm trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1326 việc, đạt tỷ lệ 90%, vượt 16% so với chỉ tiêu Tổng cục giao; về tiền đã thi hành xong trên 18 tỷ đồng. Cục có 4 phòng chuyên môn và 8 chi cục; tổng số biên chế là 84. Cơ cấu tổ chức cán bộ của Cục, chi cục tiếp tục được kiện toàn. Cục đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ; đã tổ chức kiểm tra 3 đơn vị, toàn tỉnh không có đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài về THA. Công tác phối hợp, tham mưu được thực hiện tốt.

Nên có chính sách đặc thù cho cán bộ cấp xã

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Lý Thái Hải, bên cạnh kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra, thu ngân sách đạt thấp và gặp nhiều khó khăn, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng , quản lý khai thác khoáng sản còn diễn biến phức tạp, công tác cải cách hành chính còn hạn chế... Trong công tác tư pháp, công chức pháp chế còn kiêm nhiệm, biên chế tư pháp còn mỏng, công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật còn nhiều khó khăn, việc xã hội hóa chưa được nhiều; kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở còn hạn chế…Trong công tác THADS, án chưa có điều kiện thi hành còn tồn đọng do đương sự không có điều kiện thi hành, vẫn còn tình trạng án tuyên không đúng thực tế, trên địa bàn tỉnh không có tổ chức thẩm định giá nên khó khăn. Hiện cơ quan THADS thiếu cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo và chấp hành viên.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tháo gỡ khó khăn về tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đề nghị Bộ khi thực hiện các Đề án về PBGDPL ưu tiên cho các tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn; tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong công tác; Bộ hỗ trợ trong thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc. Bộ Tư pháp bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc đối với Chi cục TP và huyện Ngân Sơn; quan tâm, tạo điều kiện bổ sung kinh phí đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quản lý nhà nước.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du đề nghị Bộ Tư pháp có chính sách đặc thù cho cán bộ cấp xã vì hiện nay rất khó khăn; Bộ cần giúp tỉnh trong xây dựng phần mềm dữ liệu hộ tịch, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp cơ sở.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ban ngành, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cũng đã làm rõ hơn các vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội cũng như công tác tư pháp, THADS.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, song Bắc Kạn đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, sử dụng những lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội, đạt những kết quả tốt. Đối với công tác tư pháp, hiện nay, Bộ ngành Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao phó nên khối lượng công việc rất lớn trong khi nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, Bộ, ngành Tư pháp luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong thành quả chung đó có sự đóng góp của Tư pháp, THADS Bắc Kạn. Bộ trưởng cũng vui mừng vì đội ngũ cán bộ tư pháp cơ bản có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản; trong công tác THADS, khiếu nại hầu như không có, tỷ lệ THA về việc khá khả quan.

Lưu ý những hạn chế trong công tác Tư pháp, THADS, Bộ trưởng đề nghị thời gian tới tư pháp, THADS cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, đặc biệt kịp thời báo cáo những việc phức tạp mới phát sinh để có sự chỉ đạo kịp thời. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND quan tâm hơn nữa đến tư pháp, THADS, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy ở những nơi còn thiếu. Sở Tư pháp cần tham mưu tích cực cho UBND trong việc triển khai một số Luật mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm cho Tư pháp tham mưu sâu hơn các vấn đề về pháp lý.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Trước đó, đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp, Bộ trưởng yêu cầu ngành tham mưu sâu hơn nữa cho tỉnh các vấn đề pháp lý để hạn chế khiếu nại, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành; chuẩn bị và triển khai tốt các Luật sắp có hiệu lực thi hành; Sở Tư pháp cùng với một số đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử… Tại Cục THADS, theo Bộ trưởng  cơ quan này cần có giải pháp kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, có sự nghiên cứu, tính toán kỹ hơn trong công tác quy hoạch cán bộ, tăng cường kiểm tra, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương… để đáp ứng tốt hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.  

Đọc thêm