Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì về sách giáo khoa tích hợp?

(PLO) - Chiều nay (30/10), trả lời chất vấn của Đại biểu QH Dương Minh Ánh (Hà Nội) về vấn đề các môn học tích hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: “chúng tôi đã tính đến các phương án triển khai dạy học tích hợp và cho rằng có tính khả thi cao”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Khẳng định đây là vấn đề thuộc chuyên môn sâu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, về dạy học tích hợp, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 88/NQ-QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, sau đó là Nghị quyết 44 của Chính phủ đều yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông phải tích hợp cao ở các cấp học dưới, phân hóa dần ở các cấp học trên. Đây là xu hướng phù hợp với các nước trên thế giới.

Giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau thành một môn tích hợp, đây là mức tích hợp cao nhất. Ở tiểu học, việc tích hợp như vậy tương đối nhiều. Ở THCS có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.

Môn Khoa học tự nhiên gồm 4 chủ đề: Chất và biến đổi về chất (thiên về kiến thức Hóa học), Năng lượng và sự biến đổi (thiên về kiến thức Vật lý), Vật sống (Sinh học), Trái đất - bầu trời (thiên về kiến thức Vật lý và một phần kiến thức Sinh học), Cấu trúc này cũng tương tự như các môn học tự nhiên của các nước trên thế giới.

Theo Nghị quyết 113 của Quốc hội, dù tích hợp nhưng vẫn giữ tên, nên cấu trúc chương trình này vẫn giữ tên môn Lịch sử.
Theo Nghị quyết 113 của Quốc hội, dù tích hợp nhưng vẫn giữ tên, nên cấu trúc chương trình này vẫn giữ tên môn Lịch sử.

Về môn Lịch sử và Địa lý, gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng bộ môn; bên cạnh đó, nhiều kiến thức chung, do vậy cấu trúc thành 5 chủ đề, 5 chủ đề này bổ trợ nhau.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về đội ngũ giáo viên, các môn học ở THCS, chúng tôi đã có tính toán. Thứ nhất là môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6-7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình bồi dưỡng đang được Bộ GD&ĐT tiến hành.

Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để có thể dần từng bước có thể dạy 2 môn. Bộ đã giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm các nước, xu hướng quốc tế. Việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị.

Về vấn đề giảm tải trong các môn tích hợp, người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định,  việc giảm tải không chỉ ở cấu trúc môn học mà giảm tải còn phụ thuộc vào cấu trúc chương trình và đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, việc tích hợp cũng là một trong những yếu tố nhằm giảm tải khối lượng kiến thức cũng như áp lực hiện nay cho học sinh.

“Về cơ bản, chúng tôi đã tính đến các phương án triển khai dạy học tích hợp và cho rằng có tính khả thi cao” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Làm việc với các Bộ, ngành không biết bao nhiêu lần mới hoàn thiện được 1 Đề án

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) về tiến độ xây dựng các Đề án thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 4/14 đề án chậm tiến độ, nguyên nhân vì sao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:

Trong 4 Đề án mà đại biểu nêu, có 1 Đề án được phân công cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề; 3 Đề án của Bộ GD&ĐT đang triển khai. Trong đó, Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành là Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông. 

Nói thêm về Đề án này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: trong 3 năm, Bộ GD&ĐT phải làm việc không biết bao nhiêu lần với các Bộ, ngành, địa phương để mô tả các điều kiện về an toàn, về cơ sở vật chất của các trường mầm non, phổ thông; đặc biệt là yêu cầu dạy 2 buổi/ngày đối với mầm non.

Theo thống kê, hiện nay bậc mầm non còn thiếu 15% và bậc tiểu học còn thiếu 20% số trường lớp để đảm bảo học 2 buổi một ngày, chủ yếu ở các tỉnh còn khó khăn miền núi. Thiết bị mới chỉ đáp ứng được dưới 40%.

"Đề án này sẽ giải quyết được một phần nhu cầu và thiết kế các hướng khung để theo đó các địa phương triển khai. Còn số tiền mà ngân sách trung ương cấp chủ yếu dành cho các vùng khó khăn" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. 

Đại biểu Trần Thị Hằng chất vấn Bộ trưởng GDĐT về tiến độ xây dựng các Đề án thuộc trách nhiệm của Bộ
Đại biểu Trần Thị Hằng chất vấn Bộ trưởng GDĐT về tiến độ xây dựng các Đề án thuộc trách nhiệm của Bộ

Cũng theo người đứng đầu ngành Giáo dục: "Đề án thứ hai là Đề án về quy hoạch mạng lưới giáo viên và các trường đại học, chúng tôi đã tiến hành rà soát để trình Chính phủ nhưng vừa rồi có nghị quyết 18,19 và quy hoạch ngành quốc gia nên chúng tôi đã trình Chính phủ và triển khai để phù hợp với luật quy hoạch". 

Đề án thứ ba là Đề án huy động nguồn lực của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý chuyển thành nghị quyết và đã trình dự thảo nghị quyết vào ngày 28/9/2018.

Hiện nay, chỉ còn Đề án quy hoạch mạng lưới để phù hợp với luật quy hoạch.

"Nhân đây,  chúng tôi đề xuất, cơ sở vật chất là một trong những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục, trách nhiệm trước hết là của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm rà soát quy chuẩn trường lớp để tới đây ban hành quy chuẩn, qua đó hướng dẫn các địa phương quy hoạch. 

Chúng tôi đề nghị các Bộ, đặc biệt là bộ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương cùng quan tâm tới vấn đề xây dựng cơ sơ vật chất trường lớp, đầu tư trang thiết bị để triển thành công Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiên quyết phát biểu. 

Đọc thêm