Bộ trưởng Xây dựng nói về 'công trình tâm linh'

(PLVN) - Việc quy hoạch, xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng được điều chỉnh tại một số luật: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Di sản văn hóa; Luật Đất đai; Luật Du lịch và Luật Xây dựng.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tại một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tại một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Nêu trong báo cáo của Chính phủ gửi Đại biểu Quốc hội mới đây đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 83 (ngày 14/6/2019) về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV liên quan đến lĩnh vực xây dựng trong đó có việc rà soát quy hoạch xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành về tôn giáo tín ngưỡng, du lịch, đất đai và xây dựng không quy định về khái niệm công trình tâm linh mà chỉ quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Việc quy hoạch, xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng được điều chỉnh tại một số luật: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Di sản văn hóa; Luật Đất đai; Luật Du lịch và Luật Xây dựng.

Với công trình tôn giáo, tín ngưỡng là công trình di tích lịch sử văn hóa, việc quản lý quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây mới thuộc các khu du lịch,  việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Du lịch; Luật Đất đai; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Luật Xây dựng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, ở một số địa phương đã có những công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới hoặc cải tạo nâng cấp tại các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và góp phần phát triển du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, các quy định pháp luật điều chỉnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình tôn giáo tín ngưỡng có kết hợp phục vụ phát triển du lịch hiện nay còn tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành chưa đủ rõ.

Thực hiện trách nhiệm của Bộ Xây dựng theo pháp luật về xây dựng, từ năm 2012 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt 9 nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia và 3 quy hoạch xây dựng bảo tồn, tôn tạo các khu di tích, trong đó có 5 khu có định hướng phát triển gắn với khai thác giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh (Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Núi Bà Đen, Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu di tích Cổ Loa và Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long).

Từ quy định pháp luật và thực tiễn, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đánh giá thực tiễn, đề xuất điều chỉnh bổ sung quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định trong tháng 12/2020.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh có xu hướng ngày càng phát triển, nhiều dự án đầu tư khu du lịch tâm lịch được doanh nghiệp quan tâm đề xuất.

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cũng đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ TN&MT về việc căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất tại một số nơi để DN xây chùa; Việc kinh doanh, khai thác các công trình tâm linh?

Nêu tại văn bản trả lời đại biểu,  Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ ra có nhiều bất cập, chưa rõ ràng trong quản lý, giao đất, cho thuê đất để làm chùa tại các tỉnh trên. Như đối với một ngôi chùa tại Ninh Bình, Bộ TN&MT cho biết, việc giao đất cho 3 đơn vị để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng, không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Tại Hà Nam, từ năm 2008 - 2011, UBND tỉnh ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1ha cho một doanh nghiệp tư nhân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng một khu du lịch theo dự án được duyệt.

Theo Bộ TN&MT, các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 Luật Đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Đọc thêm