Bộ trưởng Y tế: TP.HCM có thể có thêm ca mắc, xem xét áp dụng giãn cách xã hội phù hợp

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo như vậy trong cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh sáng 8/2.

Có thể còn có thêm ca mắc, không chỉ dừng lại 29 ca

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo trong đêm 7/2, ngành y tế đã khẩn trương thực hiện xét nghiệm tầm soát lại cho toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài 4 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố, sáng 8/2 ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp được xác định dương tính đều là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và đã được chuyển đến khu cách ly tập trung.

Thành phố đã tiến hành truy vết, điều tra những người có liên quan và phong tỏa tạm thời một số địa điểm để phòng dịch.

Cuộc họp trực tuyến từ hai đầu cầu Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Trần Minh/SKĐS
 Cuộc họp trực tuyến từ hai đầu cầu Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Trần Minh/SKĐS

Như vậy, tính đến ngày 8/2, Thành phố Hồ Chí Minh có 29 trường hợp mắc COVID-19 mới gồm các bệnh nhân số 1979, 2002, 2003, 2004, 2005 đã được Bộ Y tế công bố và 24 trường hợp mới phát hiện.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được xác định trong khu vực bốc xếp, vận chuyển hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã xuất hiện từ trước đây nhưng không phát hiện ra.

"Mặc dù nhóm nhân viên vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, lây sang nhóm hành khách hoặc phục vụ mặt đất ở sân bay nhưng giao lưu của nhóm này với cộng đồng rất lớn, nguy cơ lây nhiễm khá phức tạp," Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận. Do đó, trong những ngày tới, Thành phố Hồ Chí Minh có thể có thêm các trường hợp mắc COVID-19, không dừng ở con số 29 như hiện nay.

Xem xét giãn cách phù hợp

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần có hành động quyết liệt, nhanh chóng hơn trong việc khoanh vùng dịch. Phải xác định các trường hợp nhân viên trong khu vận chuyển hàng hóa của Sân bay Tân Sơn Nhất là nguy cơ nhất, coi đây là các trường hợp nghi nhiễm, phải truy vết tất cả các công nhân làm cùng nhau trong khu vực đó (khoảng 60 người), sau đó truy rộng ra cả người thân, gia đình của những người này.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu thành phố phải khoanh vùng nhanh tất cả các địa bàn có người mắc, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp liên quan đến ca bệnh, sau đó thu hẹp lại khoảng cách phong tỏa để giảm bớt sự ảnh hưởng đến người dân.

Để thực hiện xét nghiệm nhanh, Bộ trưởng đề nghị các trường hợp F1 phải xét nghiệm đơn còn cộng đồng thì tiến hành xét nghiệm gộp mẫu.

Ảnh: Trần Minh/SKĐS.
Ảnh: Trần Minh/SKĐS. 

Thành phố nên lấy mẫu gộp theo gia đình, đơn cử như khu Mả Lạng có 775 gia đình, mỗi hộ sẽ lấy mẫu để chung trong 1 ống, nếu mẫu nào dương tính thì đưa toàn bộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2, như vậy mới đẩy nhanh được tốc độ xét nghiệm và tầm soát.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần xem xét đánh giá từng khu phố, từng phường, xã, quận huyện để quyết định lựa chọn địa điểm áp dụng theo Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15.

“Chỉ thị 16 áp dụng tại khu vực có ca bệnh, còn toàn thành phố là Chỉ thị 15 hoặc lỏng hơn. Có như thế mới theo kịp tốc độ truy vết, khoanh vùng và dập tắt được ổ dịch. Chúng ta phải đi nhanh hơn, không thể đi sau dịch. Việc quyết định là do TP Hồ Chí Minh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 5.000 mẫu mỗi ngày. Với phương pháp xét nghiệm mẫu gộp, năng lực xét nghiệm có thể lên đến 200.000 mẫu mỗi ngày.

"Bộ Y tế sẽ huy động lực lượng y tế Trung ương trên địa bàn hỗ trợ tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh để thành phố sớm khoanh vùng, giải quyết được ổ dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta phải đi nhanh hơn dịch chứ không phải đi sau dịch," Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

"Nếu còn chần chừ chúng ta sẽ trả giá"

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trên địa bàn thành phố hiện nay là vô cùng phức tạp. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị cần điều tra tìm hiểu kỹ nơi ổ dịch bắt nguồn từ đâu vì chỉ có nắm được nơi khởi phát mới có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Các địa phương có liên quan đến các ca bệnh cần phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khoanh vùng thật nhanh, truy vết kỹ, "thần tốc" lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả sớm nhất.

"Nếu còn chần chừ chúng ta sẽ trả giá," ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.

Liên quan đến các hoạt động vui xuân đón Tết như Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, Hội hoa Xuân Tao Đàn, đường hoa Phú Mỹ Hưng và các chợ hoa Xuân trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo lễ khai mạc phải được tổ chức ngắn gọn, hạn chế người tham gia. Đồng thời, mỗi sự kiện đều phải có cổng khử khuẩn, không cho người dân ra vào nếu không đeo khẩu trang và kiên quyết đóng cửa, hủy bỏ nếu không đảm bảo các quy định phòng dịch.

Đọc thêm