Các đại gia cũng giàu lên từ đất đai mà thôi!

(PLO) -  Cho rằng việc giao đất theo kiểu không rõ ràng sẽ làm thất thoát tiền bạc của nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, từ giờ sẽ không được giao đất thu tiền một lần. Từ năm 2019 sẽ đấu giá công khai tất cả đất đai của Nhà nước, tránh gây thất thoát ngân sách.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn:  “Bây giờ người ta giàu lên từ đất đai, các đại gia bất động sản cũng giàu lên từ cái này thôi"
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: “Bây giờ người ta giàu lên từ đất đai, các đại gia bất động sản cũng giàu lên từ cái này thôi"

Hôm qua (16/10), Uỷ ban Thường vụ QH (UBTVQH) cho ý kiến báo việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020), dự toán ngân sách nhà nước 2018 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm 2019-2021.

Từ năm 2019, đất đai của Nhà nước sẽ đấu giá công khai

Đề cập đến nguồn vốn ngân sách dự phòng của Trung ương, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý theo hướng UBTVQH sẽ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí và trình tự ưu tiên, sau đó giao cho Chính phủ điều hành theo đúng nguyên tắc, trong đó có phần dành để chuẩn bị quy hoạch, xây dựng dự án.

Liên quan tới ngân sách, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị từ năm 2019 trở đi, tất cả phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất thu tiền một lần, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại, bao gồm cả trường hợp đất đó đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê, hoặc đất có sở hữu tài sản nhà nước; chỉ trừ trường hợp nhỏ lẻ, hoặc trường hợp giao đất thực hiện dự án tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng. Chủ tịch QH yêu cầu các trường hợp khác đều phải đấu giá công khai, nếu cần thiết để có điều kiện đấu giá thì ngân sách nhà nước (NSNN) ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân, sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho NSNN.

Nhấn mạnh đất đai là vấn đề mà Nhà nước thất thoát rất nhiều, nếu làm được việc này chúng ta sẽ quản lý được tốt tài nguyên quốc gia, Chủ tịch QH thẳng thắn:  “Bây giờ người ta giàu lên từ đất đai, các đại gia bất động sản cũng giàu lên từ cái này thôi, nên phải đấu giá công khai, cái gì liên quan đến đất của Nhà nước là phải đấu giá công khai để thu tiền. Giờ không được giao đất thu tiền một lần, giao đất theo kiểu không rõ ràng làm thất thoát tiền bạc của nhà nước. Thất thoát không phải tham nhũng gì đâu mà thất thoát do cơ chế của chúng ta”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch QH đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết về ngân sách để QH giám sát.

Tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế

Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, trong bối cảnh nguồn lực NSNN còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây, đặc biệt năm 2017 chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí hoặc chưa phân bổ.

Theo ông Hải, tổng thu NSNN 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm (6.864 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi NSNN. Do đó Ủy ban Tài chính -  Ngân sách cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, hụt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý, đồng thời, để xây dựng dự toán thu NSNN các năm sau khả thi hơn.

Về chi NSNN, trong 3 năm 2016 – 2018 ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm (8.025 nghìn tỷ đồng); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực NSNN còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ; việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định; vướng mắc trong thực hiện một số khoản chi thường xuyên có tính chất xây dựng cơ bản, không giải ngân được và cũng không thể chuyển nguồn theo Luật NSNN 2015, làm lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm cũng là vấn đề uỷ ban thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm.

Lưu ý tiếp theo từ cơ quan "gác cửa" ngân sách của QH là việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/ năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối NSNN. Việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối NSNN bền vững và chắc chắn, báo cáo thẩm tra nêu rõ./

Đọc thêm