Cần đề cao nguyên tắc phân cấp, phân quyền

(PLO) - Thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (dự án GIG) năm 2018, hôm qua (26/10), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì.
 Nhiều chuyên gia đã tham dự Hội thảo Phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Nhiều chuyên gia đã tham dự Hội thảo Phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Tham dự Hội thảo còn có ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học, những người trực tiếp thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhận định việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền như là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương; bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền trung ương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt xuất phát từ sự chưa minh bạch, rõ ràng về nguyên tắc; thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương được phân định không rõ…

Qua đó, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng bày tỏ mong muốn Hội thảo này sẽ là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để từ đó đề xuất các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân cấp, phân quyền và ủy quyền ở Việt Nam. 

Cho rằng phân cấp, phân quyền, ủy quyền là những nội dung quan trọng trong cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách nền hành chính quốc gia nói riêng, ông Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc Hội thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam thực chất mới chỉ là phân cấp chứ chưa phải phân quyền.

Bởi lẽ bên cạnh các kết quả đạt được còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, đặc biệt là thiếu khuôn khổ lý luận phù hợp về phân cấp, phân quyền để dẫn dắt thực tiễn. Cụ thể, mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương vẫn chưa thực sự phù hợp, sự phân biệt chưa được rõ nét về tổ chức, nên việc phân cấp, phân quyền được quy định chung cho mỗi cấp chính quyền, trong khi đặc điểm phát triển, năng lực thực hiện của chính quyền, các nguồn lực giữa các chính quyền địa phương cùng cấp là khác nhau; Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa xác định được nguyên tắc, phạm vi, giới hạn quyền được phân cấp; Quyền hạn của các cấp chính quyền được giao chưa thật sự gắn với trách nhiệm và nguồn lực, khiến không ít địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Đồng tình với những nhận định trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng phân cấp, phân quyền phải gắn liền với tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân và phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, bà Thoa cũng đưa ra kiến nghị cần phải phân công hợp lý hơn trách nhiệm của từng cấp chính quyền theo nguyên tắc “ưu tiên giải quyết từ cơ sở”; các cơ quan trung ương chỉ thực hiện chuỗi công việc không thể phân cấp nhằm bảo đảm tập trung quản lý với trình độ chuyên sâu… 

Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu, các chuyên gia khi cho rằng cần phải phân cấp, phân quyền làm sao để phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương; giao quyền cho địa phương tự quản lý; sáp nhập các xã, phường lại với nhau chứ không chia tách… Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến của các đại diện Sở Tư pháp địa phương đã đưa ra những đề xuất thẳng thắn, mạnh dạn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến phân cấp, phân quyền.

Theo đó, ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai đề nghị Bộ Tư pháp chủ động chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và có liên quan để kiến nghị với Chính phủ, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, phân cấp. 

Đồng tình với ý kiến của ông Quỳnh, đại diện Sở Tư pháp Quảng Ninh đưa ra kiến nghị cần được cụ thể hóa nội dung phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực chuyên ngành; có quy định để giải thích rõ những thuật ngữ pháp lý được quy định trong Luật để quá trình áp dụng văn bản pháp luật được đồng bộ và thống nhất.

Đọc thêm