Càng đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế

(PLVN) - Theo Thủ tướng, càng đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế, “một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp thường kỳ tháng 8/2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp thường kỳ tháng 8/2020.

Nhắc lại một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội khi kết luận phần thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vào ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế cần phải đặt ra.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới. 

Về tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này.

Theo Thủ tướng, càng đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. “Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. 

Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng yêu cầu. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Cho rằng còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, những chủ trương, biện pháp, những nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ cần được đẩy mạnh nhưng không được làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money). Bộ Công an cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng nêu rõ, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành Y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.

Đọc thêm