Chuẩn bị đón cao trào đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam

(PLO) - “Có thể nói chuyến đi đã góp phần tạo một làn sóng đầu tư mới với cao trào mới từ Nhật Bản vào Việt Nam”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết về kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lại châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chào tạm biệt đại diện nước chủ nhà Nhật Bản ra tiễn Đoàn. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chào tạm biệt đại diện nước chủ nhà Nhật Bản ra tiễn Đoàn. Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Thứ hai, trong chuyến thăm, hai bên đã đạt nhất trí về những định hướng lớn cùng các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thực chất mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, viện trợ ODA, thương mại, đến văn hóa, giáo dục, quan hệ giữa các địa phương ...

Về hợp tác chính trị an ninh, hai bên khẳng định hai nước là đối tác quan trọng của nhau và có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí tăng cường tin cậy chính trị và duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản; khẳng định sẽ tham dự và hỗ trợ Việt Nam toàn diện để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, phía Nhật khẳng định sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thêm tàu tuần tra để nâng cao lực lượng thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam. 

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động đơn phương bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có hiệu lực. 

Về hợp tác kinh tế, đầu tư, điểm nổi bật là Nhật Bản khẳng định tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ cải cách, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản hỗ trợ các dự án trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị. 

Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm nâng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2020 (hiện ở mức 30 tỷ USD), trong đó trước mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi các sản phẩm như vải, nhãn của Việt Nam và cam, quýt của Nhật Bản vào thị trường của nhau. 

“Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, có thể nói chuyến đi đã góp phần tạo một làn sóng đầu tư mới với cao trào mới từ Nhật Bản vào Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, với 14 văn kiện hợp tác giữa Bộ, ngành và 29 văn bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, trị giá trên 22 tỷ USD, chuyến thăm đã đạt những kết quả rất cụ thể, trong đó hai bên đã ký công hàm trao đổi cho khoản ODA trị giá trên 900 triệu USD cho 04 dự án bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, quản lý nước Bến Tre, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1, phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc và 03 dự án viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 26 triệu USD trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực.

Đọc thêm