Còn nhiều người dễ bị “lề hóa” trong bảo đảm bình đẳng giới

(PLVN) - Chỉ ra nhiều thách thức, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) cho biết, qua10 năm thực hiện Chiến lược, phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, còn khoảng cách nam nữ trên cơ sở phân biệt giới, còn tình trạng bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em… cần phải giải quyết.

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương được ghi nhận là đã đạt được các tiến bộ về bình đẳng giới (BĐG) trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện BĐG ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những tồn tại, thách thức do tác động của nền kinh tế toàn cầu, sự phát  triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thiên tai và biến đổi khí hậu, sự thay đổi quy mô và cấu trúc dân số.

Nhiều vấn đề giới phát sinh khi nhiều nhóm dễ bị “lề hóa”

Chỉ ra nhiều thách thức, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2015-2020, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ BĐG (Bộ LĐTB&XH) cho biết, qua10 năm thực hiện  Chiến lược, phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, còn khoảng cách nam nữ trên cơ sở phân biệt giới, còn tình trạng bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em… cần phải giải quyết.

Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ BĐG (Bộ LĐTB&XH)
 Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ BĐG (Bộ LĐTB&XH)

Thống kê năm 2010 cho thấy, trung bình ở Việt Nam cứ 3 phụ nữ thì có 1 người đã trải qua bạo lực trong đời, còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhiều địa phương…, cũng như nhiều vấn đề giới phát sinh, nhất là đối với những nhóm dễ tổn thương, dễ bị “lề hóa” trong quá trình phát triển như cộng đồng LGBT, những phụ nữ ở vùng khó khăn…

Lấy ví dụ về việc thực hiện BĐG trong lĩnh vực văn hóa thông tin (đến 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới), TS.Khuất Thu Hồng nhận thấy, “định kiến giới vẫn “tràn ngập” trong các sản phẩm văn hóa thông tin” nên việc thực hiện mục tiêu này vẫn còn nhiều tồn tại.

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực bảo đảm BĐG ở Việt Nam. Dẫn ra việc Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) có xóa bỏ quy định những việc phụ nữ không được làm, bà Robyn Mudie  nhận định,  “pháp luật thôi chưa đủ để thay đổi những tập quán có sự phân biệt đối xử với phụ nữ”.

Do đó, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, cần xây dựng các chính sách và hành động thiết thực hơn để thay đổi những tập quán đó, giải quyết các vấn đề giới phát sinh trong giai đoạn tới.

Có “bỏ quên” nam giới trong thực hiện BĐG?

Giới thiệu về các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2015-2020, bà Khuất Thu Hồng lưu ý, quá trình thực hiện Chiến lược  dường như đang “bỏ quên” đối tượng nam giới khi họ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do ảnh hưởng của lao động di cư, biến đổi khí hậu, sức khỏe tâm thần trước áp lực của cuộc sống, già hóa dân số…

Khảo sát nam giới cho thấy chỉ có 35% khẳng định có sức khỏe tốt; 70% nam giới đang hút thuốc (trong đó người hút thuốc sớm nhất là từ 5 tuổi); 60% từng uống rượu say (trong đó người uống rượu sớm nhất là từ 8 tuổi); tỷ lệ nam giới biết về 3 đạo luật quan trọng liên quan đến BĐG rất thấp (chỉ 5% biết về Luật BĐG; 8% biết đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và 11% biết đến Luật Hôn nhân gia đình).

“Đây có nên là vấn đề cần quan tâm khi thực hiện các hoạt động đảm bảo BĐG trong giai đoạn tới?” – TS.Khuất Thu Hồng đặt vấn đề. Cũng quan tâm đến vấn đề này, bà NguyễnVân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) bày tỏ băn khoăn khi chưa có các chỉ tiêu về nam giới trong Chiến lược về BĐG vì “nếu nam giới cứ “ì” ra thì phụ nữ khó thay đổi vị thế”.

“Chúng ta đặt chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo nhưng nếu chồng khó chịu khi vợ làm lãnh đạo thì liệu người vợ có thể làm lãnh đạo hay không? Vì thế, cần lưu ý đến vai trò của nam giới trong việc bảo đảm nâng cao quyền cho phụ nữ trong thực hiện Chiến lược” – bà Vân Anh lưu ý.

Song nhấn mạnh đến yếu tố của phụ nữ trong Chiến lược BĐG, đại diện của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, trong điều kiện định giới còn nặng nề thì việc thực hiện BĐG ở giai đoạn tiếp theo vẫn cần ưu tiên “nâng cao vị thế của phụ nữ”.

“Hội thảo khởi động rà soát việc 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030” do Bộ LĐTB&XH, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women)  tại Việt Nam tổ chức sáng nay, 6/12 ở Hà Nội với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu.

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, “Việc Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chiến lược quốc gia về BĐG không chỉ góp phần quan trọng vào việc thu hẹp khoảng cách giới mà còn thiết thực và có mục tiêu thực tế”, bởi “BĐG không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững” như nhấn mạnh của bà Elisa Fernandez – Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam.

Đọc thêm