Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: khẩn trương đưa Luật Trợ giúp pháp lý vào cuộc sống

(PLO) -Ngày 20/6/2017 vừa qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 3 và ngày 12/7/2017 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ Tư pháp về vấn đề này.
Cục trưởng TGPL Nguyễn Thị Minh
Cục trưởng TGPL Nguyễn Thị Minh

PV: Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quy định về người được TGPL. Vậy, xin bà cho biết người được TGPL theo Luật mới có gì khác so với Luật TGPL năm 2006, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Minh: Việc xác định người được TGPL được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những đối tượng hiện đang được TGPL, phù hợp với các chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. So với Luật TGPL năm 2006, diện người được TGPL đã được mở rộng (từ 06 diện người lên 14 diện người). Theo đó, 02 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 02 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số "thường trú" thành "cư trú" tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (cư trú sẽ rộng hơn thường trú vì cư trú bao gồm thường trú và tạm trú).

Bên cạnh đó, Luật này đã bổ sung 02 nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, Luật có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 08 nhóm người như tại khoản 7 Điều 7 Luật để cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính áp dụng với các nhóm người này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

PV: Với việc mở rộng đối tượng được TGPL như vậy thì việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân liệu có khả thi?

Bà Nguyễn Thị Minh: Một trong các điểm mới quan trọng của Luật TGPL 2017 so với Luật TGPL năm 2006 là bổ sung 01 điều riêng về nguồn ngân sách cho hoạt động TGPL. Điều 5 Luật TGPL quy định nguồn tài chính cho công tác TGPL bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách Luật quy định việc ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình.

Đó là nguồn lực tài chính. Còn nguồn lực con người, thì ngoài đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý được Nhà nước tuyển dụng để chuyên thực hiện TGPL trong toàn quốc, Luật TGPL năm 2017 còn giao Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và trả thù lao cho các tổ chức này. Luật TGPL 2017 đã có các quy định bảo đảm thi hành các điều khoản của Luật.

PV: Việc ký kết hợp đồng thực hiện TGPL là quy định mới so với Luật TGPL năm 2006. Bà có thể cho biết quy định này mang lại lợi ích gì và để thực hiện thì cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Minh: Với mục tiêu xuyên suốt toàn bộ các quy định Luật là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL hướng đến bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Hoạt động TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người nghèo và một số đối tượng yếu thế nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, do đó dịch vụ được cung cấp cho những người này phải được thực hiện bởi những chủ thể có đủ năng lực, có đủ trình độ và kỹ năng hành nghề.

Việc ký hợp đồng thực hiện TGPL khắc phục được phần nào bất cập trong thời gian qua đó là việc tổ chức tham gia TGPL chưa nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Nếu được hưởng kinh phí khi thực hiện vụ việc TGPL thì sẽ có nhiều tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật mong muốn được ký hợp đồng, do đó Nhà nước sẽ lựa chọn được những tổ chức tốt nhất, tâm huyết với hoạt động TGPL để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người được TGPL.

Đồng thời, việc huy động các tổ chức tham gia thực hiện TGPL thông qua cơ chế ký hợp đồng TGPL sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức thực hiện TGPL, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL nói chung, Trung tâm TGPL nhà nước nói riêng.

Để thực thi quy định này Luật cũng giao cho Sở Tư pháp thẩm quyền rất quan trọng trong hoạt động TGPL, đó là thông qua việc quản lý, đánh giá hoạt động của Trung tâm TGPL và nắm bắt yêu cầu TGPL tại địa phương quyết định việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện tối thiểu của Luật. Để thực hiện nhiệm vụ này, hàng năm Sở Tư pháp phải dự toán kinh phí để ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội thực hiện TGPL. Bộ Tư pháp sẽ quy định chi tiết việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL.

PV: Bà vừa nêu đến việc Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện TGPL, vậy Sở Tư pháp vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là một bên ký hợp đồng dân sự với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, vậy có gì mâu thuẫn không?

Bà Nguyễn Thị Minh: Việc Luật giao Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện TGPL hoàn toàn không mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp bởi lẽ: để đạt được mục tiêu, mục đích của quản lý các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các hoạt động khác nhau. Trong một số trường hợp để đạt được mục đích của hoạt động hành chính, các cơ quan nhà nước có thể ký kết các hợp đồng khác nhau. Trong trường hợp này, khi ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật để cung cấp dịch vụ TGPL tại địa phương Sở Tư pháp đồng thời vẫn thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TGPL, vừa có quyền và nghĩa vụ của một chủ thể ký kết hợp đồng. Quy định này cũng phù hợp với định hướng đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ.

PV: Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng TGPL, Luật đã có những quy định nào mới?

Bà Nguyễn Thị Minh: Một trong những mục tiêu lớn và quan trọng của việc xây dựng Luật TGPL lần này là nâng cao chất lượng TGPL. Để thực hiện mục tiêu này, Luật TGPL quy định chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia TGPL. Cụ thể:

- Về tổ chức tham gia TGPL: để khắc phục tình trạng tham gia TGPL một cách hình thức, không hiệu quả của các tổ chức xã hội, Luật TGPL quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL. Đặc biệt, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ TGPL Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Về người thực hiện TGPL: Luật đã chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư, cụ thể là bổ sung tiêu chuẩn phải trải qua tập sự nghề (TGPL hoặc luật sư) để Trợ giúp viên pháp lý có thời gian tập sự vận dụng kiến thức, kỹ năng trước khi được thực hiện và chịu trách nhiệm về về dịch vụ TGPL. Đồng thời, Luật quy định các điều kiện cụ thể đối với luật sư, cộng tác viên để được lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL.

Như vậy, không phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nguyện vọng đều được cung cấp dịch vụ TGPL như Luật năm 2006. Theo Luật TGPL năm 2017, để được cung cấp dịch vụ TGPL, các tổ chức, cá nhân cần đáp ứng yêu cầu, điều kiện  tối thiểu do Luật định để bảo đảm chất lượng dịch vụ họ cung cấp cho người được TGPL. Đối với các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước, trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương và các quy định trong Luật, Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL nhà nước sẽ lựa chọn trong số các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thực hiện TGPL để ký hợp đồng thực hiện TGPL. Có thể nói, với những quy định chặt chẽ ngay từ     khi xác định các tổ chức, cá nhân có chức năng trực tiếp thực hiện TGPL, Nhà nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối yếu thế khác trong xã hội.

PV: Bà có thể cho biết thêm quy định về Chi nhánh theo Luật TGPL năm 2017 có gì khác so với Luật TGPL năm 2006?

Bà Nguyễn Thị Minh: Chế định Chi nhánh tiếp tục được ghi nhận trong Luật TGPL năm 2017. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế hoạt động không hiệu quả của nhiều Chi nhánh TGPL trong thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và để sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương, so với Luật TGPL năm 2006, Luật mới quy định trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các Chi nhánh đã được thành lập và căn cứ vào nhu cầu TGPL, nguồn lực thực hiện TGPL cũng như hiệu quả hoạt động báo cáo Bộ Tư pháp để thống nhất việc duy trì, sáp nhập hoặc giải thể Chi nhánh. Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu TGPL của người được TGPL tại các vùng có điều kiện khó khăn, Luật vẫn quy định về việc thành lập Chi nhánh, song, các điều kiện thành lập chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước được quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, Chi nhánh chỉ được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL nhà nước, chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu TGPL của người được TGPL tại những nơi không có chi nhánh, Luật TGPL có chế định cộng tác viên TGPL là những người có trình độ, kinh nghiệm làm công tác pháp luật đó là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, Trợ giúp viên pháp lý... đã nghỉ hưu. Ngoài ra, Luật TGPL cũng cho phép tổ chức thực hiện TGPL tiếp người được TGPL tại địa điểm khác ngoài trụ sở. Như vậy, có thể khẳng định quy định về các điều kiện thành lập Chi nhánh tại Luật TGPL không ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận TGPL của người dân tại cơ sở mà vẫn bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước và đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW.

PV: Một trong những bất cập chủ yếu của công tác TGPL thời gian qua là hoạt động TGPL còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ chính của TGPL là giải quyết các vụ việc, vướng mắc pháp luật cụ thể của người được TGPL. Vậy Luật mới đã có quy định như thế nào để khắc phục bất cập này thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Minh: Hoạt động TGPL cần tập trung vào vụ việc cụ thể là quan điểm lớn được thể hiện xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật TGPL (sửa đổi). Theo đó, các quy định của Luật TGPL năm 2017 đi vào bản chất của hoạt động TGPL là tập trung vào vụ việc cụ thể đồng thời bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách có hạn dành cho công tác TGPL. Cụ thể, trong khái niệm tại Điều 2 Luật xác định TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc TGPL...; khoản 2 Điều 27 của Luật cũng chỉ quy định 03 hình thức TGPL gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng là 03 loại hình cung cấp dịch vụ pháp lý cơ bản hiện nay. Ngoài ra, Luật TGPL năm 2017 quy định chế tài nghiêm khắc đối với  Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc TGPL. Cụ thể, Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm mà không có lý do chính đáng sẽ bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý (khoản 1 Điều 22).

PV: Với quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm, quy định về trình tự, thủ tục trong Luật TGPL (sửa đổi) cũng như trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng có khác biệt gì so với Luật TGPL năm 2006 để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật?

Bà Nguyễn Thị Minh: So với Luật TGPL năm 2006, Luật TGPL (sửa đổi) có nhiều quy định mới để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, như: quy định phải công bố danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, yêu cầu TGPL còn được gửi qua hình thức điện tử, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; trong các tình huống cụ thể nếu gặp trường hợp cần được TGPL mà đối tượng có khó khăn không thể tự mình đến tổ chức thực hiện TGPL thì các tổ chức, cá nhân có thể thay mặt người được TGPL yêu cầu TGPL. Luật TGPL năm 2017 quy định trường hợp thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đó là các trường hợp vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người thuộc diện được TGPL có nguy cơ bị thiệt hại.

PV: Để thực hiện mục tiêu tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng được quy định như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Minh: Luật TGPL bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động TGPL, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Lần đầu tiên trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định trong Luật TGPL chứ không chỉ quy định trong các bộ luật, luật về tố tụng.

Điều 31 Luật TGPL năm 2017 quy định rõ trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương.

Các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đây là những nội dung quan trọng trong bối cảnh Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc chỉ định người bào chữa mở rộng cho những bị can, bị cáo về tội có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên.

Với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định của Luật TGPL năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, chúng tôi hy vọng số lượng vụ việc tố tụng có sự tham gia của người thực hiện TGPL sẽ tăng lên, quyền của người thực hiện TGPL và người được TGPL sẽ được bảo đảm trong quá trình tố tụng.

PV: Để triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017, theo Bà những thách thức, yêu cầu gì cần phải vượt qua?

Bà Nguyễn Thị Minh: Thách thức đầu tiên và chủ yếu của việc đổi mới trong mọi lĩnh vực luôn là vấn đề nhận thức, trong lĩnh vực TGPL cũng vậy. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông về quyền được TGPL và hoạt động TGPL để nâng cao nhận thức của người, cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương, nhất là người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý về TGPL, tổ chức thực hiện và người thực hiện TGPL, đối tượng được TGPL và của xã hội về vai trò của công tác TGPL để từ đó có sự quan tâm thỏa đáng đến công tác này. Thêm vào đó, việc mở rộng diện người được TGPL như hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, nguồn lực con người và tài chính cần thiết để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Luật trên thực tế.

Để Luật TGPL sửa đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống Bộ Tư pháp hiện đang gấp rút chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có một số hoạt động quan trọng như:

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật theo thẩm quyền, bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với Luật;

- Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động TGPL không còn phù hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan truyền thông sâu rộng về nội dung của Luật để các cơ quan, tổ chức hữu quan và người dân hiểu và thực hiện.

Ngoài ra, việc giao cho Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; Trung tâm TGPL nhà nước ký hợp đồng thực hiện TGPL với luật sư, cộng tác viên sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong việc cung ứng dịch vụ có chất lượng giữa các tổ chức, cá nhân xã hội với Trung tâm TGPL nhà nước và Trợ giúp viên pháp lý. Với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL phải có kế hoạch tự hoàn thiện, bổ sung kiến thức, kỹ năng hành nghề mới có thể đáp ứng được trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Đọc thêm