Đại biểu và cử tri đánh giá cao trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Thành Long

(PLO) -  Sáng 19/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”. Phần trả lời của Bộ trưởng được nhiều đại biểu, cử tri đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Bộ trưởng nắm chắc các vấn đề quản lý

          Qua buổi sáng chất vấn có 28 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hỏi, 6 ĐB tranh luận lại, 38 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian hỏi, nhìn chung ĐB đặt câu hỏi thẳng thắn, rõ vấn đề, không quá 1 phút theo đúng yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Phần trả lời Bộ trưởng nắm khá chắc thực trạng tình tình, nắm chắc các vấn đề quản lý, cũng nghiêm túc thừa nhận những tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục.  Bộ trưởng đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng văn bản như khẩn trương tổng kết, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật ban hành VBQPPL, trong thời gian chưa sửa thì phải thực hiện nghiêm các quy định của luật; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường vai trò pháp chế; quan tâm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động chính sách…

         ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Nhiều vấn đề căn bản đã được giải đáp

         Tôi đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Lê Thành Long đã đi vào nội dung, nhiều vấn đề căn bản đã được giải đáp. Chúng tôi cũng khẳng định cũng có những vấn đề Bộ trưởng không thể giải đáp được hết vì liên quan đến nhiều bộ ngành, hơn nữa, Bộ trưởng cũng không phải người phát ngôn của Chính phủ.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Với câu  hỏi của mình, tôi muốn Bộ Tư pháp tăng cường vai trò của mình trong xây dựng luật, đặc biệt vai trò trong công tác thẩm định, kết quả thẩm định phải được sử dụng một cách thực chất, được tôn trọng thực sự. Tôi cũng mong Bộ Tư pháp với tư cách được giao gác cổng trong xây dựng và thực thi pháp luật phải tham mưu cho Chính phủ kiểm soát thực thi pháp luật một cách hiệu quả.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tôi rất hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng

         Tôi rất hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Lê Thành Long. Bộ trưởng nắm rất chắc lĩnh vực Bộ mình quản lý, do đó ĐB hỏi Bộ trưởng trả lời được ngay. Ban đầu, khi áp dụng thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn ngay, nhiều ĐBQH cũng lo người trả lời chỉ có 3 phút, thời gian ấy ngắn quá, dễ tạo áp lực, Bộ trưởng muốn nói sâu cũng không có thời gian nhưng với trả lời của Bộ trưởng Tư pháp, ngắn gọn nhưng rất đầy đủ.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh

Riêng với câu hỏi của tôi, tôi rất mừng vì trả lời của Bộ trưởng đã thể hiện nhận thức người đứng đầu tư pháp về vấn đề rất lớn mang tính toàn cầu về vai trò, vị trí của cách mạng công nghệ 4.0 trong xây dựng thể chế. Tôi cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt đến từng cán bộ trong ngành tư pháp, cũng như pháp chế của các ngành nhận thức rõ vai trò công tác xây dựng pháp luật để đầu tư nguồn lực xứng đáng.

ĐBQH Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Bộ trưởng trả lời rõ, đúng trọng tâm

         Bộ trưởng Lê Thành Long là một trong những Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề của Bộ mình. Bộ trưởng trả lời rõ, đúng trọng tâm, đa số đại biểu tán thành và thỏa mãn với chất vấn của mình, một số đại biểu hỏi lại để rõ hơn.

ĐBQH Nguyễn Văn Pha
ĐBQH Nguyễn Văn Pha

Nếu được chất vấn, tôi sẽ hỏi: Ban soạn thảo 1 dự án luật gồm đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan đến dự án luật, có vai trò rất quan trọng từ khâu đưa ra ý tưởng đến khi QH thảo luận dự án luật đó. Nhưng rất nhiều cuộc họp Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo lại vắng mặt, không đủ đa số, thậm chí có cuộc đủ đa số cũng chỉ là cấp Vụ đi thay. Đây có phải vấn đề đáng quan ngại không? Nếu có thì Bộ trưởng có giải pháp gì?

ĐBQH Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ninh: Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp cụ thể

         Với câu hỏi của tôi, Bộ trưởng đã nhận định đúng tình hình thực tế hiện nay. Bộ trưởng cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể tuy nhiên chưa rõ khi nào sẽ có thể sửa đổi được vấn đề bất cập này trong thực tiễn. Bộ trưởng cần nói rõ hơn nguyên nhân dẫn đến bất cập trong ban hành VBQPPL, ví dụ như vai trò trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định hồ sơ, dự án luật và dự thảo các VBQPPL trước khi trình Chính phủ để ban hành và các dự án luật trước khi trình Quốc hội để thông qua.

ĐBQH Đỗ Thị Lan
ĐBQH Đỗ Thị Lan

Qua phiên chất vấn, tôi cũng đánh giá cao sự đổi mới hoạt động chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương pháp đổi mới này phù hợp giúp cho đại biểu Quốc hội chuẩn bị câu hỏi kỹ, sâu sắc, ngắn gọn, đi thẳng vấn đề và người trả lời phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo phần trả lời trong thời gian ngắn nhất. Sự đổi mới này tạo cơ hội để đại biểu nêu vấn đề tiếp theo khi chưa đồng tình với phần trả lời của người trả lời chất vấn. Như vậy vấn đề đưa ra sẽ được đi đến cùng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri nhân dân.

Thượng tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu: Cử tri chúng tôi trông đợi vào công tác tuyên truyền pháp luật

          Bản thân tôi rất quan tâm tới Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có  phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Thượng tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu
Thượng tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu

Đối với các tỉnh vùng cao như Điện Biên – nơi Trại giam Nà Tấu đóng thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm vì nhiều vụ việc, người phạm tội xuất phát từ hiểu biết pháp luật hạn chế. Tôi rất mừng vì hiện có nhiều đề án tập trung vào các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…qua đó nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của bà con, hạn chế vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện còn có hạn chế, một phần do nguồn lực. Trong tương lai, theo lời Bộ trưởng sẽ chú trọng nhiều hơn đối với công tác này, đó là điều rất tốt và cử tri chúng tôi trông đợi.

Đọc thêm