ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng): Không cần thiết bổ sung 2 tội danh

(PLO) - Thảo luận tại Hội trường ngày 26/5 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS), ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận định: Dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị cận trọng, công phu, khoa học, cơ bản tôi nhất trí với nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, việc bổ sung hành vi “cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào Điều 112 (tội bạo loạn) và hành vi “phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) là không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển

Việc bổ sung hành vi “cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” là không cần thiết

Phân tích về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho biết, thứ nhất, qua nghiên cứu BLHS 1985, 1999 và 2015 cho thấy: cấu thành tội phạm của các tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hủy cơ sở vật chất –kỹ thuật của Nhà nước CHXHCNVN đều có sự phân biệt rất hợp lý, rõ ràng cấu thành của 3 tội danh này và nó được thể hiện qua các hành vi nguy hiểm đặc trưng của từng tội.

Hiện nay dự thảo bổ sung hành vi “cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào Điều 112 (tội bạo loạn) và hành vi “phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) theo tôi quy định này sẽ tạo ra sự chồng chéo trong cấu thành tội phạm của 3 tội danh này. Với việc bổ sung hành vi này thì trên thực tế sẽ xẩy ra tình huống không thể xác định được hành vi nào là “cướp phá tài sản”; hành vi nào là “phá hủy tài sản” và sẽ cấu thành tội nào? (tội bạo loạn hay tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; hay tội phá hủy cơ sở vật chất –kỹ thuật của Nhà nước CHXHCNVN).

Thứ hai, các hành vi “cướp phá tài sản” hoặc “phá hủy tài sản” của cơ quan, tổ chức, cá nhân vừa khó phân biệt với nhau như nêu trên, vừa không phải là hành vi phản ánh đặc trưng của tội bạo loạn và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Mặt khác, nếu bổ sung các hành vi này vào các tội danh nên trên, thì trên thực tế còn có nhiều hành vi nguy hiểm tương tự cũng cần phải bổ sung, chẳng hạn: hành vi cố ý gây thương tích, hành vi hãm hiếp, làm nhục.. cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân; hành vi cưỡng đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân..

Thứ ba, Có ý kiến cho rằng việc bổ sung các hành vi trên là để giữ lại tội hoạt động phỉ trong BLHS 1999 trước đây nhằm bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo tôi là không cần thiết. Bởi lẽ, các hành vi nguy hiển trong cấu thành tội hoạt động phỉ trước đây thực chất đã được thể hiện trong các điều luật tương ứng của BLHS năm 2015. Cụ thể: hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị truy cứu về tội bạo loạn (điều 112), hành vi giết người nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị truy cứu tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); hành vi cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân nếu là hậu quả của hành vi “hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức” thì sẽ truy cứu về tội bạo loạn (Điều 112). Hành vi cướp phá tài sản trong các trường hợp khác thì tùy từng trường hợp sẽ bị truy cứu về tội danh: phá hủy cơ sở vật chất –kỹ thuật của Nhà nước CHXHCNVN (Điều 114) hoặc tội cướp tài sản (điều 168) hoặc tội khủng bố (điều 299) hoặc tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiên quan trọng vê an ninh quốc gia (điều 303).

Với các lý do trên, ông cho rằng không cần thiết phải bổ sung các hành vi trên vào tội bạo loạn và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Một tình huống diễn tập chống khủng bố của lực lượng Cảnh sát
Một tình huống diễn tập chống khủng bố của lực lượng Cảnh sát

Cần thiết phải loại bỏ cụm từ “không thể tách rời sự sống” của cơ thể động vật trong cấu thành tội phạm

Về việc bổ sung dấu hiệu “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” của động vật trong cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (điều 244), Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đồng tình với quan điểm của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã là: thay vì bổ sung cụm từ “không thể tách tời sự sống” vào điểm b khoản 1 thì nên rà soát, loại bỏ hết cụm từ này tại các điểm d, đ của khoản 1; điểm a, b, c tại các khoản 2 và 3 của điều 244.

Lý giải cho phát biểu này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển phân tích:

Thứ nhất, Việc chỉ hình sự hóa đối với việc tàng trữ, vận chuyển và buôn bán các bộ phận cơ thể “không thể tách rời sự sống” của động vật chắc chắn sẽ dẫn tới bỏ lọt nhiều hành vi xâm hại nguy hiểm khác tới các loài hoang dã, như: hành vi giết hại động vật để lấy sừng, ngà, lông, móng, vảy.v.v… trong nhiều trường hợp có thể được coi là những bộ phận có thể tách rời sự sống. Mặt khác, trên thực tế, việc khai thác trái phép bất kỳ bộ phận cơ thể nào trên cá thể động vật, trong phần lớn các trường hợp thì đều dẫn tới việc giết chết cá thể động vật đó (như giết tê tê để lấy vảy, giết dái cá để lấy lông; giết bò tót, bò rừng để lấy sừng…).

Thứ hai, cụm từ “không thể tách rời sự sống” do có nhiều cách hiểu khác nhau nên rất khó áp dụng trực tiếp và gây khó khăn cho việc hướng dẫn thi hành, cũng như áp dụng pháp luật trên thực tế, nhất là việc giám định, ngoài việc phải xác định thông qua xét nghiệm AND, còn phải đánh giá điều kiện “có thể tách rời” hay “không thể tách rời” của chúng. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc thực thi các quy định của BLHS trong việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm trở nên hết sức khó khăn.

Thứ ba, Việc bổ sung cụm từ trên sẽ tạo ra sự mâu thuẫn với quy định tại Điều 234 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã). Theo quy định tại Điều 234 thì đối với các động vật hoang dã thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II của Công ước CITES (đây là nhóm động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) thì điều luật cũng chỉ quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật”. Trong khi đó, các hành vi nguy hiểm được quy định tại Điều 244 xâm hại đến nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES(động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) là nhóm cần bảo vệ nghiêm ngặt hơn thì lại phải kèm theo dấu hiện “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống”. 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng cần thiết phải loại bỏ cụm từ “không thể tách rời sự sống” của cơ thể động vật trong cấu thành tội phạm này và chỉ sử dụng duy nhất khái niệm “bộ phận cơ thể” tương tự như quy định trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng cần thiết phải loại bỏ cụm từ “không thể tách rời sự sống” của cơ thể động vật trong cấu thành tội phạm  này và chỉ sử dụng duy nhất khái niệm “bộ phận cơ thể” tương tự như quy định trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm

Với những lý do trên, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng cần thiết phải loại bỏ cụm từ “không thể tách rời sự sống” của cơ thể động vật trong cấu thành tội phạm  này và chỉ sử dụng duy nhất khái niệm “bộ phận cơ thể” tương tự như quy định trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm (CITES) sẽ góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này; bảo tồn, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng ngày một gia tăng như hiện nay.

Theo Chương trình dự kiến, ngày 27/5, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS)

Đọc thêm