Đề xuất nâng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh, sinh viên cận nghèo

(PLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên thêm tối thiểu 20% (hiện nay hỗ trợ 30%).
Chủ tịch UNND TP Hà Nội đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên.
Chủ tịch UNND TP Hà Nội đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên.

Đề xuất được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân,  do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ năm 2017 sẽ giao cho các địa phương xem xét thực hiện nâng mức hỗ trợ BHYT cho một số nhóm đối tượng nhằm khuyến khích người dân tham BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Cụ thể, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên thêm sẽ được hỗ trợ 50% (hiện nay đang hỗ trợ 30%); nhóm cận nghèo được hỗ trợ 100% (hiện nay đang hỗ trợ 70%, một số địa phương ngân sách địa phương đã hỗ trợ 30% còn lại); đối với đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình được hỗ trợ 10% (hiện nay không hỗ trợ); nhóm đối tượng nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 50% (hiện nay đang hỗ trợ 30%).

Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2016, thành phố giao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn là 79,8%, thực tế tăng 2% so với chỉ tiêu được giao.

Để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian tới, Hà Nội đưa giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp về việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH của thành phố, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên thêm tối thiểu 20% (hiện nay đang hỗ trợ 30%); đối với đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, Hà Nội đề xuất hỗ trợ tối thiểu 10% (hiện nay chưa hỗ trợ).

Đại diện của Hà Nội nhấn mạnh để tăng số người tham gia BHYT điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, bảo đảm sự hài lòng của người bệnh.

Mặt khác, tổ chức quản lý tốt việc khám chữa bệnh BHYT và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT; thực hiện minh bạch, công khai chi phí khám chữa bệnh BHYT nhằm hạn chế, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT.

Ông Chung cho rằng, để bao phủ BHYT cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều thuận lợi nhất khi doanh nghiệp, người dân tham gia và giải quyết các chế độ BHYT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện hoàn thành việc tin học hoá trong thực hiện giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước ngày 30/6/2016.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, ước tính tổng số tiền để thực hiện phương án nâng mức hỗ trợ như trên là khoảng 450 tỷ đồng. Dự định, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 200 tỷ đồng, 250 tỷ đồng còn lại sẽ huy động từ số tiền kết dư quỹ bảo hiểm từ các địa phương.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến tháng 4/2016 cả nước có 70,8 triệu người tham gia BHYT, tăng khoảng 1,2% so với năm 2015. Riêng TP Hà Nội, đến nay 77,3% dân số Thủ đô đã tham gia BHYT.

Đọc thêm