Đêm nay bão đổ bộ Bình Định - Khánh Hòa, yêu cầu di dời hết dân khỏi vùng nguy hiểm

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 1h ngày 11/11, vị trí tâm bão trên đất liền Bình Định - Khánh Hòa... Tổng cục trưởng, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.
Lực lượng chức năng vận động người dân tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường, Nha Trang di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Khánh Hòa.
Lực lượng chức năng vận động người dân tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường, Nha Trang di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

13h hôm nay, 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 1h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 13h ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc.

"Trong 24 giờ tới, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động", Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo. "Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh".

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối nay, trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng: 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa: 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc: 100-200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.       

Toàn cảnh cuộc họp triển khai ứng phó với bão khẩn cấp.
Toàn cảnh cuộc họp triển khai ứng phó với bão khẩn cấp.

Sáng nay,  Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục họp với các Bộ, ngành triển khai công tác ứng phó với bão khẩn cấp. 

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 6. Hôm nay, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra tại Phú Yên và Khánh Hòa.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM đã ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp hỗ trợ hậu cần cho 5 tàu cá Quảng Ngãi đang trú tránh bão số 6 ở Philippines.

Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu. Các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 6.

Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ/181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất (Quảng Ngãi: 13.227 hộ/ 47.883 người; Bình Định: 14.456 hộ/ 68.006 người; Phú Yên: 8.904 hộ/ 31.601 người; Khánh Hòa: 7.916 hộ/ 33.698 người).

Tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ/693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn, chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 4 trường học; đưa 155 thuyền máy lên bờ; tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 7-9/11; tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch cấm ra khơi vào ngày 10/11.

Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11...

Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, 6.231 cán bộ, chiến sĩ với 340 phương tiện các loại đã được huy động, ứng trực sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn. Trong đó có 35 tàu, 119 xuồng và ca nô. 2 phương tiện được điều động cứu hộ cứu nạn là tàu CN09 tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, tàu còn lại ứng trực tại cảng Hòn Mun, tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, lực lượng bộ đội biên phòng đã và đang tham gia cùng địa phương sơ tán dân khỏi vùng trũng thấp, cửa sông ven biển đảm bảo an toàn. 

Tình đến 6h hôm nay, các đơn vị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó hoạt động, neo đậu tại khu vực giữa Biển Đông là 108 tàu/2.729 lao động (các tàu đã nắm được thông tin và đã vào trú tránh tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía Nam để tránh bão); hoạt động ven bờ, các vùng biển khác: 5.963 tàu/34.031 lao động; neo đậu tại bến: 41.286 tàu/206.303 lao động; đã thông báo, hướng dẫn di chuyển, gia cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho 123.729 lòng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 lao động.


(Ngày 10/11/2019)
  Đêm nay bão đổ bộ Bình Định - Khánh Hòa, yêu cầu di dời hết dân khỏi vùng nguy hiểm ảnh 17 Print Email Facebook Google LinkedIn Twitter

Họp triển khai ứng phó với bão khẩn cấp (Cơn bão số 6)

Ngày 10/11/2019, tại VPTT Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục họp với các Bộ, ngành triển khai công tác ứng phó với BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 6)


Tổng cục trưởng - Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài

Đọc thêm