Điểm mặt những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh

(PLO) - Tuần qua, dư luận dậy sóng bởi hai sự kiện mang tính thời sự pháp luật được đặc biệt quan tâm đó là việc Trịnh Xuân Thanh- bị can bị truy nã quốc tế trong đại án tham nhũng tại PVC ra đầu thú và việc bắt khẩn cấp đại gia Trầm Bê liên quan đến đại án tham nhũng Phạm Công Danh.
Điểm mặt những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh

Lộ diện sai phạm từ chiếc xe sang gắn biển xanh 

Tối 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để đầu thú, khép lại hành trình gần 10 tháng lẩn trốn của đối tượng có lệnh truy nã quốc tế này.

Cùng ngày, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận đối tượng Trịnh Xuân Thanh (sinh ngày 13/2/1966, đăng ký HKTT tại Nhà 24 - C2 Ciputra, quận Tây Hồ, TP Hà Nội), là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, theo đúng quy định pháp luật.

Hành vi vi phạm của Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) bắt đầu lộ diện vào tháng 6/2016 khi báo chí và mạng xã hội phản ánh việc ông Thanh sử dụng chiếc xe ôtô nhãn hiệu Lexus được đeo biển số xanh số 95A-0699 chạy thản nhiên trên đường phố miền Tây, trị giá khoảng 5 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận xã hội.

Thời điểm đó, về việc này, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, xe gắn biển số 95A-0699 là của một người bạn của ông. Khi ông vào công tác ở Hậu Giang, do điều kiện của tỉnh chưa thể bố trí xe công vụ nên ông Thanh đã mượn của bạn để thuận tiện cho công việc. Khi bị báo chí phanh phui, tối 31/5, ông Thanh đã cho tài xế tháo biển số xanh, gắn lại biển số trắng.

Tuy nhiên, sau đó những câu chuyện khuất tất về con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh đã trở thành điểm nóng được báo chí khai thác triệt để. Cùng với đó, báo chí cũng phản ánh tình trạng thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng tại Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng Cty PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013.

Bộ sậu PVC sa lưới pháp luật

Ngày 9/6/2017, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng các Bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Đến ngày 11/7/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận: “Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng Cty PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013)”.

Ngày 15/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái…” theo Điều 163 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can, gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty PVC.

Trong vụ án xảy ra tại PVC, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bước đầu làm rõ bị can Trịnh Xuân Thanh ngoài các sai phạm trong việc điều hành chung tại PVC còn có hành vi sai phạm trong một số dự án và đơn vị thành viên, trong đó có việc thua lỗ hơn 576 tỉ đồng xảy ra tại Cty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí và việc thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà PVC có vai trò là nhà thầu…

Đến nay, ngoài Trịnh Xuân Thanh, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can khác về hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản. Hầu hết bị can trong vụ án này đều nguyên là cán bộ PVC qua các thời kỳ.

Tiếp đó, vào trung tuần tháng 3/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội qua xét xử các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land (quận Hà Đông, Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tham ô tài sản có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, có căn cứ xác định ông Trịnh Xuân Thanh khi còn là Chủ tịch HĐQT PVC, đã chỉ đạo một số người ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Cty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 để hưởng chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2 đất của Dự án Nam Đàn Plaza, gây thiệt hại cho Cty PVP Land hơn 87 tỷ đồng.

Vụ án này đã được cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố từ tháng 9/2010 nhưng bị trả hồ sơ, điều tra bổ sung và xét xử lại nhiều lần. Một số bị can sau khi bị khởi tố đã được đình chỉ điều tra nên không làm rõ được vai trò của ông Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm đó. 

Khởi tố Trầm Bê và Phan Huy Khang

Ngày 1/8, thông tin từ Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank) và Phan Huy Khang (nguyên là thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank).

Hai bị can này bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.

Bên cạnh đó, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can với 25 đối tượng bị can, ra lệnh bắt tạm giam với 16 bị can khác. 

Theo điều tra ban đầu, Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 Cty do Phạm Công Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam hơn 1.800 tỷ đồng. 

Liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cũng trong ngày 1/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Trang (hay còn gọi là Trang “phố núi”) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đọc thêm