Dự án kết nối người Việt khắp năm châu

(PLVN) - Dù sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt vẫn luôn hướng về nguồn cội. Dự án VietSeach ra đời với mục đích kết nối người Việt bốn phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân với kiều bào vui xuân đón Tết
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân với kiều bào vui xuân đón Tết

Dự án hữu ích

Với mục tiêu “Kết nối và Phát triển cộng đồng Việt” toàn thế giới, sản phẩm VietSearch do nhóm tác giả trẻ người Việt tại Mỹ, Thụy Sỹ, Việt Nam và Pháp đã giành giải Khuyến khích trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019. 

TS. Lưu Vĩnh Toàn, đồng sáng lập VietSearch, chuyên gia tìm kiếm thông tin Move Digital AG (Thụy Sĩ), cho biết: “Nhóm phát triển VietSearch thành lập năm 2017, hiện gồm 10 thành viên là người Việt đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, Thụy Sĩ, Việt Nam và Pháp; trong đó 4 người có học vị tiến sĩ, 4 người là chuyên gia công nghệ tại các công ty trên thế giới với nhiều năm kinh nghiệm”. 

VietSearch ra đời sau 33 tháng với sự nỗ lực của VietSearch Foundation (VSF), một tổ chức phi chính trị hoạt động trên tinh thần cộng tác và tự nguyện. Đây là một kênh thông tin chính thức với nguồn dữ liệu phong phú và nền tảng công nghệ giúp người dùng tìm kiếm dữ liệu về cộng đồng nhanh chóng, chính xác, trên nhiều phương diện với thông tin đa chiều và có độ tin tưởng cao.

Chia sẻ cụ thể hơn, theo TS Nguyễn Đình Quý, đồng sáng lập VietSearch, Giám đốc công nghệ tại Mitsubishi Electric (Mỹ), thì hệ thống gồm các chức năng tìm kiếm chuyên gia, dịch vụ, sự kiện, tin tức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Hệ thống hiện đã thu thập được nguồn dữ liệu lớn và tiếp tục cập nhật về cộng đồng Việt (hiện hơn 500.000 người Việt và gốc Việt, hơn 15.000 doanh nghiệp, dịch vụ Việt ở nước ngoài trong khoảng 1.000 lĩnh vực dịch vụ và ngành nghề và hơn 1.000 sự kiện Việt) tại website https://vietsearch.org với phiên bản dùng cho máy tính và ứng dụng trên điện thoại. 

Giao diện được thiết kế phù hợp với người sử dụng để tìm kiếm hiệu quả và tương tác với bản đồ một cách dễ dàng. Nguồn dữ liệu chỉ tập trung vào cộng đồng người Việt tại các nước khác nhau trên thế giới nhưng rất đa dạng và phong phú với hàng nghìn lĩnh vực dịch vụ và chuyên ngành, giúp hỗ trợ người sử dụng tìm thông tin thiết yếu và nhanh chóng về cộng đồng Việt toàn cầu theo các đề mục: Con người; Nghề nghiệp; Công ty; Dịch vụ; Địa điểm và Thời gian. 

TS Phạm Xuân Lâm, thành viên nhóm Vietsearch (Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân), cho hay: Mới đây Trung ương Đoàn TNCS HCM cũng đã qua kênh thông tin của nhóm để tìm kiếm các chuyên gia phù hợp với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019. Các chủ đề liên quan đến công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bảo vệ môi trường cũng có thể sử dụng kênh VietSearch để tìm kiếm chuyên gia, các giáo sư đang làm việc tại nước ngoài. 

Theo TS Phạm Xuân Lâm: “Hiện chúng ta có 5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Chưa kể mỗi năm có hơn 10 triệu người đi du lịch nước ngoài, nên những thông tin này rất có ích cho người đi du lịch, công tác, những người đang sinh sống ở nước ngoài và cả trong nước”.

“Trước đây, trong những chuyến công tác, tôi muốn tìm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo đang làm việc tại quận A, B ở một thành phố nào đó nhưng vào Google không thể tìm kiếm được, còn giờ vào Vietsearch là tìm được ngay. Hay muốn tìm phiên dịch người Việt nhưng không biết tìm ở đâu, lên Google tìm thì thông tin bị lạc hậu hoặc không ra kết quả. Vì thế, khi tham gia dự án này, tôi thấy thực sự hữu ích”, vẫn lời TS Lâm.

Lãnh đạo TP HCM trong cuộc gặp gỡ nghe kiều bào hiến kế phát triển đô thị
Lãnh đạo TP HCM trong cuộc gặp gỡ nghe kiều bào hiến kế phát triển đô thị 

Tầm cao mới

Về cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2019, TS Phạm Xuân Lâm cho biết: Năm 2019 có 418 sản phẩm tham gia dự thi và Vietsearch là 1 trong 19 sản phẩm công nghệ thông tin lọt vào chung khảo. “Nhân tài Đất Việt giúp cho Vietsearch đẩy lên tầm cao mới, bởi vì dù ra đời từ năm 2017 nhưng hệ thống phát triển cấp độ rất chậm. Khi tham gia Nhân tài Đất Việt, nhóm đã được hỗ trợ rất nhiều từ Ban Tổ chức và các thành viên quyết tâm ngồi lại với nhau để phát triển sản phẩm Vietsearch lên 2.0, tốt hơn phiên bản 1.0 trước đó rất nhiều”, TS Lâm nói.

Sau khi nhận được giải, nhóm đã được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hứa hỗ trợ tiếp tục phát triển phiên bản Vietsearch 3.0 vào năm 2020, để cung cấp thêm nhiều dịch vụ thông tin cũng như tiện ích hơn cho cộng đồng người Việt trên toàn cầu. 

Phiên bản 3.0 sẽ tập trung hai vấn đề chính: Thứ nhất là, liên quan đến phần chuyên gia, trước đây đã có thông tin cơ bản, tới đây nhóm sẽ tìm kiếm thông tin sâu hơn. Ngoài tên, hình ảnh, địa chỉ, nơi sống, sẽ có thêm truy vấn thông tin liên quan đến những công trình, bài báo, xuất bản những hoạt động của nhân vật. 

Thứ hai là sẽ cung cấp thông tin về du học như các thông tin liên quan đến học bổng, cung cấp thông tin về các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu mà có người Việt đang tham gia để du học sinh có thể tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài ra có các dịch vụ liên quan đến du học sinh như các dịch vụ tư vấn luật pháp, thậm chí các thông tin liên quan đến nhà ở, dịch vụ nhà trọ tại các quốc gia, thành phố nơi các bạn du học...  

Nhóm Vietsearch đạt giải Khuyến khích tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2019
Nhóm Vietsearch đạt giải Khuyến khích tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2019 

“Một trong những khó khăn lớn của nhóm là vì các thành viên trong nhóm đều ở nước ngoài với các múi giờ chênh nhau nên việc duy trì được sự kết nối để phát triển sản phẩm không hề đơn giản. Chẳng hạn, để hẹn nhau giờ “họp” với tôi sẽ là vào khoảng nửa đêm, đây cũng là những múi giờ phù hợp nhất cho các thành viên trên toàn cầu”, TS. Phạm Xuân Lâm cho biết.

Nhóm cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ tư vấn luật để việc lưu giữ thông tin được hợp pháp, hỗ trợ về tài chính để cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm ngày càng tiện ích hơn...  Đặc biệt, nhóm bày tỏ mong muốn được Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cung cấp thông tin chính thống về các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và hỗ trợ kết nối người Việt, doanh nghiệp Việt trên toàn thế giới.

Truyền cảm hứng về một xã hội lan tỏa yêu thương

Ở một quy mô nhỏ hơn, TS. Hoàng Hà Thi (Đại học Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo đã kết nối và đưa ra Dự án Học bổng “Việt Nam quê hương tôi”. Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại quê hương được tiếp tục đến trường.

Võ Thị Kim Thảo cho biết, Thảo sinh ra tại Huế và được học hành đủ đầy. “Thế nhưng, nhìn các em học sinh bị lận đận dở dang học hành bởi gia đình nghèo khó, từ lâu Thảo đã nung nấu đề tài này. Rồi một sự tình cờ, Thảo và TS Thi gặp nhau qua một kết nối và cùng thực hiện chung dự án này”. 

Thảo đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Huế, TS Thi sống từ nhỏ tại Mỹ. Thế nhưng cùng đau đáu trước thực trạng bỏ học của học sinh Việt Nam. Ở Quảng Trị năm 2017 - 2018 có 643 học sinh bỏ học; Tây Ninh có 543 học sinh; Đắk Lắk có trên 500 học sinh; cả nước có nhiều ngàn học sinh bỏ học mỗi năm. Một trong những nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học là điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lo từng bữa ăn chưa đủ nên đành cho con bỏ học, nhiều em còn đam mê học tập và có năng lực tốt cũng phải nghỉ giữa chừng.

Bởi thế, nhóm mong rằng nguồn nhân lực tốt này nên được giúp đỡ, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát huy tiềm năng. Nhóm làm dự án ước tính du học sinh Việt Nam ở nước ngoài chi phí khoảng 130.000 USD/năm (năm 2016). Do sự chênh lệch tỷ giá nên ước tính mỗi du học sinh trích chỉ 1EUR/ngày - 30EUR/tháng - 360EUR/năm; tương đương 9 triệu VNĐ; có thể đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam. Nhóm thực hiện dự án học bổng này ước tính chỉ 1% du học sinh tham gia dự án sẽ giúp được 1.300 học sinh tại Việt Nam tiếp tục đến trường.

Dự án đang được triển khai với các định hướng: Hình thành mạng lưới liên kết người Việt khắp năm châu; Tinh thần hướng về quê hương nguồn cội; Mô hình: Đóng góp nhỏ mỗi người - tạo sức mạnh lớn, ai cũng đều có thể chung tay; Trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội; Truyền cảm hứng về một xã hội sẻ chia và lan tỏa yêu thương…

Đọc thêm