Dự thảo Luật Thanh niên chưa xác định đúng thanh niên là ai?

(PLVN) - Đó là băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)vào sáng nay (10/9).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu

Thanh niên đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 13 năm Luật Thanh niên có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như, một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) 

Cùng với đó Luật thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm có 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005 xây dựng trên cơ sở của 7 nhóm chính sách áp dụng đối với thanh niên (người từ 16-30 tuổi).

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nói đến dự án luật này ông kỳ vọng rất lớn, tuy nhiên khi đọc hồ sơ dự án luật thì chưa thoả mãn.

“Có một điều cứ vang vọng mãi trong đầu là “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” thì luật này khiến tôi rất băn khoăn. Vì thể hiện nghĩa vụ thì ít mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều quá. Quyền lợi đòi hỏi nhiều, nghĩa vụ thì không rõ”, ông nói và đồng thời, ông đánh giá dự thảo luật lần này không có nét gì của riêng biệt, không tạo được “dấu ấn” của thanh niên.

Là đối tượng thắng thế nhưng dự luật lại coi thanh niên là... yếu thế!

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, để dự luật này khả thi ta phải xác định đối tượng mình đang xây dựng ai, lúc đấy mới tiếp cận đúng.  “Với dự luật này, đối tượng của là những người trẻ, khỏe, nhiệt huyết, phấn đấu, có tương lai… và đất nước phải dựa vào những thanh niên này trong khi Đoàn thanh niên là cánh tay phải của Đảng. Nhưng tôi có cảm giác dự thảo luật này vẫn chưa xác định đúng thanh niên là ai”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, chính vì dự thảo vẫn coi thanh niên là đối tượng yếu thế cần thế này, cần thế kia, ưu tiên cái này, ưu tiên cái kia… trong khi họ là đối tượng thắng thế. Do đó, ông Dũng đề nghị, Ban soạn thảo phải tiếp cận theo hướng giao trách nhiệm là chính.

Phân tích cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hiện nay luật pháp chia khung đối với từng đối tượng: với trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người 60 tuổi trở lên. Theo bà Nga, bởi đây là những đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù nên nhà nước ta cần có chính sách đặc thù, cụ thể.

Còn phần còn lại chúng ta tách đôi: người từ 16 đến 30 tuổi là thanh niên, còn từ trên 30 tuổi đến 60 tuổi có thể gọi là trung niên (hiện tại chúng ta không có chính sách gì).  Bà Nga đề nghị cần hết sức cân nhắc với đối tượng là thanh niên, nếu chúng ta quy định không sát thì sẽ rất khó lý giải. “Tính trong độ tuổi, có thể khẳng đây là đối tượng khỏe nhất nên chúng ta quy định chính sách đặc thù vào đây là không hợp lý sẽ dẫn đến chúng ta coi đối tượng khỏe nhất là đối tượng yếu thế. Nên chúng ta cần có những chính sách khuyến kích để thanh niên sáng tạo phát huy được thế mạnh của mình”, bà Nga nói.     

 Đối với quy định thanh niên tình nguyện, bà Nga cho rằng, việc luật hóa phong trào là không hợp lý. Lý giải, bà Nga cho rằng, đã nói tình nguyện là tự nguyện mà chúng ta luật hóa trong luật, bắt buộc thì chính đây là điểm không hợp lý.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá những chính sách dành cho thanh niên được quy định tại dự luật còn rất chung chung, chồng lấn với chính sách khác ở các luật chuyên ngành như luật về lao động, việc làm, văn hóa thể thao, bảo vệ tổ quốc.. lẽ ra phải làm rõ hơn thì lại nhắc lại. “Ban soạn thảo cần bám sát tinh thần Hiến pháp 2013 ở Khoản 2, Điều 37:  Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã quy định khá rõ ở luật chuyên ngành như Luật Giáo dục, Luật Khoa học công nghệ, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật dân quân tự vệ… nên khi ta tiếp cận những quyền của thanh niên cần có cách tiếp cận mới hơn để tránh trùng lặp và không quy định các vấn đề đã quy định trong luật chuyên ngành.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đặc biệt, dự án luật này cần chú ý giáo dục bồi dưỡng đạo đức dân tộc, ý thức công dân cho thanh niên trong điều kiện hiện nay. “Đặc biệt, những thanh niên tham gia mạng xã hội, tiếp cận thông tin rồi bình luận. Khi có thông tin giả, thông tin sai thì nhiều thanh niên ùn ùn tiếp cận, làm “anh hùng bàn phím”, bỏ hết tất cả truyền thống dân tộc, ý thức công dân, trách nhiệm trước xã hội...”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là cái khó của công tác thanh niên hiện nay.

Đọc thêm