Giải báo chí toàn quốc Búa liềm vàng năm 2021 có rất nhiều điểm mới

(PLVN) -So với Giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020, Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 có rất nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là có thêm một số giải chuyên đề mới; cơ cấu giải cũng tăng thêm và mỗi tác giả có thể đứng tên ở hai tác phẩm.
Phóng viên Hương Giang (bút danh Tuệ Minh) của Báo Pháp luật Việt Nam nhận Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về công tác Xây dựng Đảng năm 2020.
Phóng viên Hương Giang (bút danh Tuệ Minh) của Báo Pháp luật Việt Nam nhận Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về công tác Xây dựng Đảng năm 2020.

Theo Kế hoạch số 08 của Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng), các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng cần bám sát thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở mọi miền, lĩnh vực, phản ánh sinh động kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 2025...

Giải cũng dành để trao cho các cơ quan báo chí, hội nhà báo và ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy tiêu biểu trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và tổ chức Giải Búa liềm vàng trên phạm vi toàn quốc; vinh danh nhà báo có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng và biểu dương những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về tác phẩm: Là các tác phẩm báo chí thuộc tất cả các thể loại báo in; báo điện tử; phát thanh; truyền hình; ảnh báo chí.

Thời gian đăng, phát tác phẩm được tính từ ngày 01/11/2020 đến 31/10/2021. Thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm là ngày 10/11/2021 (theo dấu bưu điện).

So với Giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020, Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 có rất nhiều điểm mới.

Thứ nhất, về nội dung triển khai: Giải Búa liềm vàng lần thứ VI được gắn với việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, với những trọng tâm: Về công tác tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống; Công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước các cấp; Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam; Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”.

Thứ hai, Giải Búa liềm vàng năm nay có một số giải chuyên đề mới là: Giải tác phẩm xuất sắc về phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Đáng chú ý, về cơ cấu Giải, tăng từ 5 lên 6 Giải A, từ 10 lên 12 Giải B, từ 15 lên 16 Giải C và từ 25 lên 30 Giải khuyến khích nhằm thuận lợi cho việc chấm giải theo 6 tiểu ban sơ khảo, tương ứng với chất lượng Giải Búa liềm vàng ngày càng tăng cao so với trước đây, có nhiều tác phẩm chất lượng tốt.

Nếu như các năm trước, mỗi tác giả chỉ được gửi tham gia dự thi 1 tác phẩm thì Giải Búa liềm vàng năm 2021 quy định: “Nếu tác giả đã có tác phẩm riêng của mình, đồng thời tham gia nhóm tác giả sáng tác tác phẩm khác thì được chọn thêm tối đa 1 tác phẩm khác”.

Bên cạnh đó, quy định về tác phẩm ghi rõ: “Nếu tác phẩm nhiều kỳ thì đến thời hạn nộp tác phẩm phải đăng, phát xong toàn bộ tác phẩm và có ít nhất 2/3 số tác phẩm đã đăng, phát trong khoảng thời gian nêu trên”. 

Việc quy định này để tránh có cách hiểu và ý kiến khác nhau khi gặp những trường hợp đặc biệt tác phẩm có rất nhiều kỳ, thời gian đăng, phát kéo dài từ mùa giải này qua mùa giải khác.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch tổ chức Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021, diễn ra vào ngày 23/3, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Búa liềm vàng đề nghị các cơ quan đồng tổ chức Giải cần tăng cường phối hợp hơn nữa, trong đó triển khai sớm các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng Đảng và nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Đồng thời bổ sung, sửa đổi Thể lệ Giải để tiếp tục mở rộng quy mô, tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa của Giải; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để bảo đảm công bằng trong chấm Giải...

Tác giả, tác phẩm đoạt giải được tặng tiền thưởng: Giải Đặc biệt: 300.000.000,0đ; Giải A: 100.000.000,0đ; Giải B: 75.000.000,0đ; Giải C: 50.000.000,0đ; Giải Khuyến khích: 30.000.000,0đ. Các giải chuyên đề trị giá 50.000.000,0 đ.

 Những tác phẩm đoạt giải A, B, C, đồng thời là tác phẩm xuất sắc nhất thuộc 10 giải chuyên đề thì được ghi giấy chứng nhận đoạt 2 giải, tiền thưởng lấy mức cao nhất trong 2 giải đó và được thưởng thêm 10.000.000,0đ kèm biểu trưng Búa liềm vàng. 

Cơ quan báo chí, hội nhà báo và ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy xuất sắc được tặng tiền thưởng 50.000.000,0đ kèm theo Bằng khen của Ban Tổ chức Trung ương. Nhà báo tiêu biểu được tặng tiền thưởng 50.000.000,0đ kèm theo biểu trưng Búa liềm vàng. Nhân vật tiêu biểu được tặng quà trị giá 10.000.000,0đ của Ban Tổ chức Giải. 

Đọc thêm