Giám sát phải đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân

(PLVN) - Hoạt động giám sát có đặc thù là rất va chạm. Do đó, bên cạnh trình độ, năng lực thì đòi hỏi những người làm công việc này phải rất bản lĩnh, dũng cảm và thật sự vô tư, khách quan.
Giám sát phải đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi trao đổi với PLVN. Theo ông Quyền, giám sát là một “kênh” kiểm soát quyền lực quan trọng nhất. Quyền lực thì phải có kiểm soát, nếu quyền lực không được kiểm soát thì sẽ bị tha hóa. Chính vì vậy, trong những năm qua, cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động thì các cơ quan dân cử đã tăng cường chức năng hoạt động giám sát, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thực thi trong cuộc sống để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của nhiều khóa, Quốc hội đều đánh giá chức năng giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân. 

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên?

- Kiểm soát quyền lực ở Việt Nam đã làm từ lâu, nhưng để nhận diện rõ các phương diện về kiểm soát quyền lực thì mới diễn ra từ năm 2001, khi sửa đổi Hiến pháp 1992 và đến Hiến pháp 2013 mới dần hoàn thiện về cơ chế kiểm soát quyền lực, chức năng giám sát mới được đẩy mạnh và tăng cường hơn, rõ hơn về phạm vi của hoạt động giám sát. Nhưng trên thực tế việc triển khai chức năng này còn khó khăn, phức tạp, lúng túng, hiệu lực và hiệu quả chưa cao. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, về mặt lý luận, chúng ta chưa nhận diện hết các phương diện của kiểm soát quyền lực. Thứ hai, về thực tiễn, Quốc hội và Hội đồng nhân dân vẫn là cơ quan hoạt động chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, không chuyên trách, không chuyên nghiệp; bộ máy giúp việc còn nhỏ nên không đủ nguồn lực về con người, kinh phí, cơ chế… để thực hiện chức năng giám sát. Mà khi đã tiến hành hoạt động giám sát, thực tế cho thấy sự đòi hỏi rất bền bỉ, công phu, liên tục; đòi hỏi nguồn nhân lực rất cao và tốn nhiều công sức.

Mặt khác, hoạt động giám sát còn có đặc thù là rất va chạm. Hôm nay chúng ta là bạn, nhưng ngày mai là đối tượng giám sát và chịu sự giám sát của nhau, cho nên rất nhạy cảm. Vì vậy, bên cạnh trình độ, năng lực thì đòi hỏi những người làm công việc này phải rất bản lĩnh, dũng cảm, phải thực sự vô tư, khách quan. Đặc biệt, nếu giám sát mà không xác định trách nhiệm đúng hay sai thì không có ý nghĩa gì. Giám sát phải làm rõ được trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, từng cơ quan, từng người đứng đầu…

Thời gian qua, việc Quốc hội giám sát các vụ việc cụ thể, như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của người có thầm quyền trong hoạt động công vụ…, nói chung hiệu quả còn thấp. Đây là vấn đề cần được tăng cường, muốn tăng cường thì không thể nói suông mà phải bằng thể chế, chính sách, pháp luật và chế độ trách nhiệm công vụ.

- Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo công bằng trong xét xử, các cơ quan của Quốc hội nên tập trung giám sát các vụ việc, vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai, nhiều dư luận trong xã hội... Nhưng dường như chúng ta chưa làm được như vậy. Ông đánh giá thế nào?

- Giám sát có hai phương diện, một là giám sát văn bản quy phạm pháp luật (có phạm vi điều chỉnh rộng, có thể với hàng chục triệu người) và giám sát thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật.

Giám sát thực thi pháp luật phải phân định rất rõ: giám sát nhưng không làm thay. Bởi vì việc tuân thủ, thực thi pháp luật đã có kiểm soát quyền lực bằng các thiết chế kiểm tra trong nội bộ các cơ quan hành pháp và tư pháp, cùng với đó là thiết chế kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, thiết chế thanh tra, kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ… Bên tư pháp thì có thiết chế kiểm sát việc tuân theo pháp luật, giám đốc xét xử của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới. Tức là khi “anh” tiến hành giám sát việc thực thi pháp luật, “anh” phải phân định rõ về chủ thể, cách thức tiến hành, về hậu quả pháp lý… thì mới không “dẫm” lên các hoạt động khác của bộ máy nhà nước.

Trong khi đó chúng ta lại không có mô hình nào để học tập về giám sát cá biệt, mà chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do vậy, việc làm này cũng phản ánh sự khó khăn của quá trình giám sát, làm sao khi giám sát nhưng không làm thay, đó là cái khó nhất của giám sát cụ thể. 

- Thưa ông, với những vụ việc mà cơ quan chức năng gây oan sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là với trường hợp tử tù, vậy sai phạm này ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, như Viện kiểm sát, Tòa án… thì cơ quan giám sát có trách nhiệm gì trong vấn đề này?

- Trách nhiệm của giám sát là làm rõ việc đó, vấn đề đó liên quan đến trách nhiệm của ai, cơ quan nào và các cơ quan đó nếu có trách nhiệm trong việc gây ra oan sai cho người dân thì phải tự sửa chữa, khắc phục. 

Chính từ quan niệm đó cho nên trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự hiện nay có thủ tục tố tụng đặc biệt. Đó là khi bản án đã lên đến cấp cao nhất mà không còn cấp nào xét xử nữa thì có thủ tục đặc biệt, nhưng thủ tục này vẫn trở lại nguyên tắc là người xử lý cái đúng - sai đó vẫn là Tòa án, chứ Quốc hội không làm thay. Quốc hội chỉ nói là có vấn đề và Hội đồng thẩm phán phải xem xét lại. Ví dụ, khi Ủy ban Tư pháp đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng thẩm phán lấy hồ sơ về xem xét lại, nếu thấy đúng thì thôi, chưa đúng thì phải xử lý lại cho công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

- Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm