Hành vi điều khiển flycam uy hiếp an toàn bay: Nghiên cứu xử lý hình sự

(PLVN) - Đến hết tháng 11/2019, trên các cảng hàng không toàn quốc xảy ra 120 vụ tàu bay bị sự cố về lốp, 20 vụ phát hiện vật thể lạ trên khu bay, 9 vụ việc liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện siêu nhẹ tại khu vực cảng hàng không. 
Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc công tác an toàn an ninh hàng không đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng
Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc công tác an toàn an ninh hàng không đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng

Nhiều lần “thót tim”  

Hôm qua (10/1), tại Hà Nội, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc công tác an toàn an ninh hàng không năm 2019, nhiệm vụ 2020.

- Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Năm 2019, thị trường hàng không phát triển với tốc độ nhanh, sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ 2018. Số lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 218, tăng 38 so với 2018; số lượng trực thăng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 31 chiếc. Có 10 hãng hàng không được cấp Giấy chứng nhận khai thác tàu bay, 12 tổ chức bảo dưỡng tàu bay và 7 tổ chức huấn luyện được phê chuẩn. Sản lượng điều hành bay đi/đến đạt 458.000 chuyến, tăng 11,9% so với 2018; điều hành bay quá cảnh 419.000 chuyến. 

Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 106 triệu khách, sản lượng hàng hóa thông qua là 1,4 triệu tấn. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 50,3 triệu khách, 404.000 tấn hàng hóa. Việt Nam hiện có 22 sân bay có hoạt động hàng không dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa. 

Năm 2019, công tác bảo đảm an toàn hàng không của hàng không Việt Nam tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người. Tuy nhiên, các sự cố vụ việc liên quan đến việc các phương tiện bay không người lái xâm nhập khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay diễn biến phức tạp, đe dọa công tác khai thác và bảo đảm an toàn bay. Thời gian qua, tình trạng vật thể lạ xuất hiện trong khu bay có xu hướng gia tăng. Đến hết tháng 11/2019, trên các cảng hàng không toàn quốc xảy ra 120 vụ tàu bay bị sự cố về lốp, 20 vụ phát hiện vật thể lạ trên khu bay. 

Đã xảy ra 9 vụ việc liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện siêu nhẹ tại khu vực cảng hàng không. Đáng chú ý là sự cố chuyến bay VN173 va chạm phải phương tiện bay không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng. Sau khi hạ cánh, xác định tàu bay chỉ bị trầy sơn, không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nếu phương tiện này va chạm vào động cơ tàu bay, đặc biệt trong giai đoạn cất và hạ cánh, sẽ gây tai nạn thảm khốc.  

Tình trạng cò mồi, taxi dù diễn ra thường xuyên tại một số cảng hàng không trong thời gian gần đây đã gây mất an ninh, trật tự khu vực công cộng của cảng, làm ảnh hưởng quyền lợi của khách đi tàu bay, uy tín ngành hàng không; là hình ảnh xấu về địa phương, đất nước con người Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. 

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hiệu quả phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn đối tượng xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế cảng hàng không chưa cao; chưa có giải pháp hiệu quả chống can thiệp bất hợp pháp bằng phương tiện bay siêu nhẹ, bay không người lái; chưa có giải pháp hiệu quả đối với các tin nhắn thất thiệt, đe dọa an ninh hàng không. 

 

Sớm nâng cấp Nội Bài, Tân Sơn Nhất  

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cũng chỉ ra, trong năm 2019, còn để xảy ra một số vụ việc uy hiếp an ninh hàng không, tập trung vào một số vi phạm như: Trộm cắp tài sản; hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không; gây rối trật tự công cộng vẫn tiếp diễn. Các sự cố an toàn do yếu tố con người vẫn xảy ra, trong đó, các sự cố nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều do nguyên nhân là yếu tố con người. 

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định về an ninh hàng không phù hợp quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt Đề án của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo TCT Cảng hàng không Việt Nam sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp khẩn trương cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh hai cảng hàng không quốc tế trọng điểm Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; đồng thời triển khai đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm duy trì bảo đảm đủ điều kiện khai thác.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung các quy định ngăn chặn vi phạm về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Nghiên cứu để đưa vào xử lý ở mức hình sự với các vi phạm của loại hình này. Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia về làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm soát tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, với hai đề án: Thành lập đồn Công an tại các cảng hàng không sân bay trọng điểm và xây dựng lực lượng An ninh trên không, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ Bộ GTVT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm bảo đảm tốt tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản, hành lý của hành khách đi tàu bay, đặc biệt từ số đối tượng người nước ngoài.

Đọc thêm