“Hội chứng” không biết

(PLO) - Lâu nay, khi được báo chí hỏi về những chuyện sai phạm bị phanh phui, người có trách nhiệm thường trả lời: “Cái này tôi chưa biết, chưa thấy anh em báo cáo, cũng mới chỉ nghe qua báo chí”... Thật lạ, chuyện đó thuộc về sự quản lý của mình, trách nhiệm của mình thế mà “không biết” thì quản lý cái gì, làm lãnh đạo để làm gì?

Để chữa sự “không biết” ấy, người ta thường hứa hẹn sẽ “xử lý nghiêm khắc nếu chuyện này là có thật hoặc chữa cháy theo kiểu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khi cả nước biết bán hàng đa cấp là lừa đảo thì mới lên tiếng cảnh báo.

Hoặc như chuyện ở Hà Nam khi du khách phản ảnh bị “chặt chém” thì người quản lý tỉnh bơ: “Đài báo đã cảnh báo rồi, tại sao không chịu đọc báo (!)”. Có những động thái tỏ ra tích cực như ngay lập tức lập đoàn thanh tra sau khi sai phạm đã rõ rành rành, đó chỉ là ra vẻ thế, một cách “chữa cháy” vụng về mà thôi. 

Có người thì sau khi tỏ vẻ ngạc nhiên là không biết có vụ phá rừng nghiêm trọng chẳng hạn thì phản ứng lại bằng cách phủ nhận, vu cho báo chí là phản ảnh sai sự thật rồi cố tình lấp liếm dư luận, giấu giếm sự thật theo kiểu của loài mèo.

Đến lúc không che đậy được nữa thì “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”, “xử lý người sai phạm” bằng hình thức nghiêm khắc phê bình, chuyển nơi công tác tốt hơn hoặc cho về hưu vì đã đến tuổi. Có người thì đầu tiên là “không biết” tình trạng lại tồi tệ đến thế, biết rồi thì tỏ ra phẫn nộ, không thể để tình trạng này được, phải làm thế nào chứ,... lại còn thương cảm sụt sùi: “Dân khổ quá!”.

Làm nhà quản lý xã hội mà cứ cho rằng đưa ra những lời cảnh báo vuốt đuôi là xong nhiệm vụ, là bám sát cuộc sống, là vì dân ư? Thực phẩm độc hại dân phải ăn mãi rồi mới cảnh báo, qua mùa lễ hội sau khi du khách bị “chặt chém” tơi bời rồi chính quyền địa phương mới cảnh báo và cảnh cáo các địa chỉ “chặt chém”, xử lý công trình sai phạm do “không biết” từ trước nên để xây xong, hoàn thiện rồi mới “cảnh báo” rằng anh xây như thế là sai hay giả vờ lập đoàn kiểm tra “làm cho rõ”!

Không biết hay tỏ ra không biết, giả vờ không biết đó còn tệ hơn cả sự vô cảm bởi đó là sự lơ là trách nhiệm, nhắm mắt làm ngơ cho cái xấu lộng hành, phá vỡ trật tự kỷ cương phép nước, tạo ra những rối loạn xã hội. Hội chứng này vẫn còn tiếp diễn bởi những người “không biết” đó vẫn tại vị, vẫn thăng tiến đều đều, vẫn giữ vai trò “cầm cân nảy mực” và vẫn không phải chịu trách nhiệm gì về sự “không biết” gây ra!./.

Đọc thêm