Không chất vấn xong rồi để đấy!

(PLO) - Hôm nay (13/6), Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ về các vấn đề mà cử tri cả nước cùng quan tâm. Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chia sẻ những mối quan tâm và kỳ vọng vào hoạt động nghị sự quan trọng này của kỳ họp.
Không chất vấn xong  rồi để đấy!

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của QH: Nông nghiệp là vấn đề cử tri gửi nhiều kiến nghị nhất

Phiên chất vấn không phải một mình tôi mà có cả QH và các cử tri kỳ vọng về những nội dung được trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề mong đợi của cử tri và các ĐBQH trong thời gian vừa qua. Cách thức lựa chọn nội dung chất vấn và phương thức chất vấn kỳ này đã có nhiều thay đổi. Thông qua đây, cử tri cũng nắm được và chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ đang phải trải qua và cũng qua đó Chính phủ nắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri để giải quyết các vấn đề thấu đáo, đáp ứng mong đợi của cử tri. Trong các vấn đề, tôi cho rằng vấn đề được ĐBQH quan tâm nhất là vấn đề về lĩnh vực nông nghiệp vì số lượng kiến nghị của cử tri về nông nghiệp luôn dẫn đầu…

Bà Nguyễn Thanh Hải
Bà Nguyễn Thanh Hải

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM: Không chất vấn xong rồi để đấy

Nếu để nói chất vấn các thành viên của Chính phủ, cả 4 vấn đề thì cử tri TP HCM gửi gắm rất nhiều. Tuy nhiên, trong tổng thời lượng của thời gian chất vấn, tôi sẽ lắng nghe các đại biểu khác chất vấn, vấn đề gì đã chất vấn rồi thì tôi sẽ lắng nghe phần trả lời của thành viên Chính phủ. Tôi sẽ tập trung chất vấn vào vấn đề nông nghiệp. Đây là vấn đề tôi quan tâm rất nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ và cả những kỳ trước, tôi đã có nhiều lần chất vấn với Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Vấn đề tôi quan tâm nhất là tiềm năng chúng ta có, người lao động chúng ta có. Đặc biệt là người lao động ở nông thôn Việt Nam rất cần cù, thông minh, sáng tạo nhưng vì sao nông nghiệp không phát triển được? Vì sao đời sống người nông dân khó khăn, không thể tự sống được trên đồng đất của mình, trên sức lao động của mình.

Tôi rất buồn khi những người có trách nhiệm ở một số bộ, ngành liên quan có nói sản xuất nông sản thừa là tại người nông dân sản xuất không theo cảnh báo của Nhà nước, sản xuất chạy theo phong trào… nghe thật là buồn. Người nông dân phải đi tìm con đường để sống phải là đáng mừng chứ. Vấn đề là chúng ta tổ chức cho nông dân sản xuất thế nào để có hiệu quả. Đổ thừa cho người nông dân là phủi đi trách nhiệm quản lý nhà nước, điều đó thật đáng trách và đáng buồn nữa.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

Trong thường trực Chính phủ, Thủ tướng hay Phó Thủ tướng miễn là trả lời được các câu hỏi của ĐB đặt ra, giải trình cho thấu đáo là tôi cảm thấy thỏa mãn. Các Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực trả lời sẽ sâu hơn, Thủ tướng sẽ trả lời ở tầm vĩ mô. Vấn đề nào các Phó Thủ tướng trả lời chưa thấu đáo thì Thủ tướng trả lời sẽ hợp lý. Chắc chắn ở kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời trực tiếp. Đó là sự phân công. Vấn đề là dành thời gian thỏa đáng cho thường trực Chính phủ trả lời trực tiếp đầy đủ, có trách nhiệm các vấn đề ĐB đặt ra. 

Nếu không đủ thời gian thì phải trả lời bằng văn bản cho ĐB. Điều tôi quan tâm là chúng ta theo dõi ra sao với trả lời đó. Nhiều người trả lời suôn sẻ trơn tru, mạch lạc nhưng vấn đề thực hiện ra sao thì QH phải có giám sát. ĐB phải có giám sát và kết nối các kỳ chất vấn với nhau, phải theo dõi chứ không phải chất vấn rồi thì thôi. Các giải pháp Chính phủ, Bộ trưởng đưa ra, ĐB chất vấn phải theo dõi, giám sát nó được tổ chức thực hiện hay không. Nếu không, ĐB phải có tái chất vấn để làm cho trách nhiệm của người trả lời phải đi kèm với tổ chức thực hiện.

Ông Đỗ Văn Sinh
Ông Đỗ Văn Sinh

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH: Sẽ có chuyển biến tốt 

Chắc chắn tôi sẽ chất vấn về những vấn đề mà dân rất quan tâm, tất nhiên nội dung chất vấn sẽ phải tập trung vào nội dung mà Chính phủ và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn. 

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, gần đây chúng ta liên tục phải đặt ra vấn đề “giải cứu” nông sản, điều này có trách nhiệm gì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, rất nhiều sản phẩm nông sản của nước ngoài, từ gạo, thịt bò của nước ngoài đã tràn ngập, lấn chiếm thị trường nước ta. Vì vậy không có cách nào khác là chúng ta phải tự cứu lấy mình, phải chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân trong nước trước rồi mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Hay việc chấn chỉnh cung cách làm việc của cán bộ, bộ máy hành chính của nhà nước, hay việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm quan chức diễn ra tại nhiều bộ, ngành, địa phương là vấn đề không chỉ người dân mà cả Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm. Vì vậy, Chính phủ, các ĐBQH đã đề xuất đặt vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ QH phải có nội dung giám sát về tổ chức bộ máy nhà nước. Qua giám sát sẽ đặt ra vấn đề bộ máy của chúng ta đã hoàn chỉnh chưa, đã thực sự đặt vấn đề phục vụ nhân dân hay chưa, đánh giá những mặt được, chưa được để khắc phục.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những động thái, chỉ đạo rất quyết liệt trong lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để đôn đốc các công việc mà Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành nhằm kịp thời chỉ đạo. Với tinh thần cải cách như vậy, tôi nghĩ sẽ có sự chuyển biến tốt trong công tác tổ chức bộ máy và hành chính của nhà nước.

Đọc thêm