Không để ‘bà đỡ’ của nền kinh tế lâm vào cảnh giải cứu hàng năm

(PLVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận ngày 29/3 về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội đã góp ý đối với nền nông nghiệp của Việt Nam, vốn được coi là “bà đỡ” của kinh tế Việt Nam nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng phải giải cứu nông sản.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đánh giá trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã có những thành công rất quan trọng, thực hiện thành công các nhiệm vụ và vẫn tiếp tục khắc phục tồn tại, khó khăn của nhiệm kỳ trước để lại.

Dẫn lại thông tin được phát trên truyền thông sáng nay, khi Việt Nam được đứng trong top 10 của các quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất, nằm trong top 40 quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt trên thế giới, ĐB cho rằng đây là thành công có công lao rất lớn của Chính phủ.

Tuy nhiên, ĐB Nhưỡng cũng nêu một số hạn chế, vụ việc nổi cộm xảy ra trong nhiệm kỳ chưa được giải quyết triệt để gây bức xúc dư luận; tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều, nhất là vấn đề đất đai, việc giải quyết kiến nghị cử tri còn chậm trễ...

Qua đây, ông kiến nghị 5 vấn đề, trong đó có vấn đề nông nghiệp. Ông nói: “Tôi coi nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, vừa là người bác sỹ đặc biệt trong lúc đất nước ta bị tổn thương”. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu xây dựng vị trí là một cường quốc nông nghiệp, tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực sẵn có và thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre).
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre).

Bên cạnh đó, theo ĐB, phải tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh, cẩn trọng tỉnh táo trong xây dựng đô thị bên bờ sông Hồng và khu vực thoát lũ có thể gây hệ lụy lớn và lâu dài về môi trường, đời sống của nhân dân. “Tôi coi sông Hồng là động mạch của quốc gia, vì vậy cần trồng cây xanh để tạo lá phổi xanh cho quốc gia, bảo vệ Thủ đô và đất nước”, ông nhấn mạnh.

Bày tỏ ấn tượng với những thành tựu nhiệm kỳ qua của Chính phủ, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó có liên quan đến kinh tế nông nghiệp. Ông nhìn nhận, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn yếu tố thiếu bền vững, hàng năm đều phải giải cứu nông sản nơi này nơi khác, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng chiều sâu chưa vững chắc, đổi mới sản xuất nông nghiệp có nơi chưa hiệu quả, phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu bền vững, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản còn hạn chế, nhất là khâu bảo quản…

Từ đó, ĐB Hòa đề nghị đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết hợp tác quy mô, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu nông sản để tránh nông dân “được mùa mất giá”, “giải cứu” hàng năm cũng như nhằm khuyến khích nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực; quy hoạch vùng trữ nước ngọt cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị xâm nhập mặn; trồng cây gây rừng sao cho hiệu quả, tránh hình thức, đúng thực chất, không lãng phí tài nguyên thiên nhiên; thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đa mục tiêu như giao thông, đập kè, thủy lợi, nông nghiệp, nông thôn có tính chất liên vùng để tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng và cả nước…

Đọc thêm