Ký ức ngày độc lập ở thành phố Đỏ

(PLVN) - 74 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày làm trưởng đoàn biểu tình đi giành chính quyền vẫn in đậm trong tâm trí vị lão thành cách mạng Hà Văn Tải ở thành phố Đỏ, tên thường gọi của TP Vinh, tỉnh Nghệ An.  
“Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi”, ông Tải nói
“Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi”, ông Tải nói

15 tuổi đã giác ngộ cách mạng

Chuẩn bị bước sang tuổi 90, nhưng ông Hà Văn Tải, ngụ xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) vẫn khá minh mẫn. Hồi ức cuộc đời tham gia cách mạng, ông Tải tự hào: “Nếu không có cách mạng soi đường, có lẽ tôi chỉ là ông giáo quanh quẩn trường làng. Nhờ được rèn luyện, giác ngộ trong các phong trào cách mạng, tôi đã trưởng thành”.

Ông Tải sinh ra ở làng Phúc Thọ, tổng Quan Hóa, huyện Yên Thành, Nghệ An (nay thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành). Thấy con ham học, thông minh, năm 14 tuổi cha mẹ quyết định bán ruộng cho con đi học. Không phụ lòng người thân, cậu thiếu niên Hà Văn Tải đã thi đậu vào Trường Quốc học Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). 

Từ nông thôn xuống thị xã Vinh học tập là điều may mắn với Tải, nhưng đi đôi với đó là biết bao khổ cực, thiếu thốn. Nhà không giàu có, Tải phải tá túc trong căn nhà lợp mái tranh của một người quen tốt bụng. Ký ức về những ngày ngủ chõng tre, ăn cơm độn, mặc quần áo ướt mỗi khi trời mưa suốt đời không thể quên.

Thời gian trọ học ở đây, Hà Văn Tải tận mắt chứng kiến cuộc sống cùng cực của người dân trong thời Pháp thuộc. “Đó là thời điểm cuối năm 1944 đầu 1945, nạn đói hoành hành khắp nơi. Mỗi ngày đến trường, tôi lại thấy những chiếc xe ba gác chở xác người kéo về nghĩa địa. Trên chiếc xe ấy, những xác người phủ chiếu sơ sài”, ông kể.

Chợ Vinh lúc bấy giờ cũng trở thành nơi mua bán trẻ con. Những người mẹ vì đói đành phải bán đứa con gầy đét, xanh xao để lấy một vài đồng bạc.  

Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Hôm sau, Hà Văn Tải cùng các bạn vẫn đi học như thường lệ, nhưng đến nơi thì trường đã bị Nhật chiếm. Mất trường, học sinh đành ôm sách vở về quê. Tại quê nhà, ông tiếp tục chứng kiến cảnh đói cũng kinh hoàng không khác gì ở phố. Đàn ông đào củ mài về ăn, phụ nữ tìm lúa lép về giã lấy cám ăn đỡ đói.

Nạn đói khủng khiếp khiến những người ăn mày nằm la liệt, ngổn ngang khắp đình làng, gốc đa. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh tận khổ dưới ách thực dân, chàng trai thấm thía, được giác ngộ đi theo cách mạng.

Ký ức không quên  

Những ngày đầu tham gia cách mạng, Hà Văn Tải được giao tập hợp các thiếu niên trong xã chuẩn bị cho cuộc biểu tình cướp chính quyền ở làng và huyện. Sau một thời gian ngắn luyện tập, ông được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8. 

Ngày 18/8/1945, dân làng kéo nhau đến nhà Lý trưởng Phạm Thức. Cán bộ Việt Minh bắt Lý trưởng phải nộp triện, sổ sách cho Việt Minh quản lý trong tiếng hô vang khẩu hiệu “Việt Minh muôn năm”, “Việt Nam độc lập muôn năm”.

Năm 2017, ông Tải được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Năm 2017, ông Tải được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ủy ban cách mạng lâm thời của làng ra đời. Sau đó cả làng Phúc Thọ, xã Giai Lạc gồm người lớn, thiếu niên, dân quân cầm theo gậy, giáo, mác kéo xuống huyện tham gia biểu tình cướp chính quyền. 

“Tôi vinh dự được làm trưởng đoàn biểu tình của tầng lớp học sinh, thiếu niên. Khi đoàn chúng tôi tới dinh quan huyện Lưu Văn Xân thì thấy viên quan đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4 - 5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Quan huyện cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng”, ông Tải nhớ lại.

Ngày 3/9, tin tức truyền về cho biết, ngoài Hà Nội có cuộc mít tinh lớn, hàng vạn người tham gia. Trong cuộc mít tinh đó, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thế giới được biết về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, chàng trai Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Hưởng ứng lời Bác Hồ kêu gọi “Diệt giặc đói, giặc dốt”, Hà Văn Tải đã tham gia lớp bình dân học vụ để dạy chữ cho người dân trong vùng. Là thanh niên trí thức, Tải cùng các bạn thiếu niên học sinh trong làng xông xáo, hăng say trong mọi công việc của Ủy ban cách mạng lâm thời giao. Trong phong trào bình dân học vụ, ông trở thành thầy giáo, dạy chữ cho nhiều người.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Tải được Ủy ban Cách mạng lâm thời giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Thông tin tuyên truyền xã. Tháng 12/1948, Hà Văn Tải vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi chưa đầy 18 tuổi. Một năm sau, ông đảm nhận nhiệm vụ làm Chánh Văn phòng huyện Yên Thành kiêm Bí thư Chi bộ Hà Huy Tập.

Trải qua nhiều cương vị công tác tại Thành ủy Vinh rồi Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu, ông vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Chống Mỹ cứu nước, Huân chương Độc lập hạng 3 và Huân chương Lao động hạng 3 của Chính phủ Lào tặng. Đặc biệt, cuối năm 2017 ông Hà Văn Tải vinh dự được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ngồi nhắc lại những ký ức xưa, ông Tải xúc động: “74 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ về những ngày đầu đi theo cách mạng tôi vẫn xúc động. Nhờ có cách mạng, nhờ có Bác Hồ mà tôi đã trở thành cán bộ, Đảng viên, làm mọi việc vì nước, vì dân”. Cả đời nguyện theo lý tưởng cách mạng, giờ đây vị cán bộ tiền khởi nghĩa ấy vẫn giữ cho mình nếp sống thanh bạch, giản dị, vui vầy bên con cháu. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc phát động “Tuần lễ vàng”, nhân dân hiến vàng cho Việt Minh kiến thiết đất nước, ông Tải cùng các bạn sáng tác vở kịch “Tiếng gọi của vàng” và tổ chức biểu diễn, mời bà con đến xem. Để diễn vở kịch đó, Hà Văn Tải chui vào cái bồ, hai bạn đồng môn gánh bồ ra giữa sân đình.

Từ trong bồ, Hà Văn Tải “hóa thân” vào cục vàng và đọc: “Lời của vàng đây. Đồng bào nghe vàng nói. Tôi ở nhà ông En (tên húy của một nhà giàu trong vùng), làm giàu cho ông En. Giờ nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ra góp sức xây dựng đất nước nhưng không được ra. Tôi buồn, tủi thân lắm”.

Liền sau đó, những người có mặt vỗ tay còn ông En thì ra về. Đến buổi chiều, ông En ra gặp đại diện Việt Minh trao tặng con chạch bằng vàng đóng góp cho cách mạng. Từ việc làm đó, nhiều nhà có của khác trong làng cũng làm theo.

Đọc thêm