“Lễ cưới pháp luật” của những cặp vợ chồng nghèo

(PLO) - Mấy ngày nay, dư luận cứ xôn xao với những bức ảnh trang trọng trong buổi lễ đăng kí kết hôn với chồng nước ngoài của siêu mẫu Hà Anh. Thế nhưng, ít người biết rằng, tại Long An, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã tổ chức những buổi Lễ kết hôn đầy đang trọng như thế, với đối tượng không phải người nước ngoài kết hôn với người Việt, mà là những cặp vợ chồng lao động nghèo.
Nhận Giấy chứng nhận kết hôn: Thời khắc quan trọng trong cuộc đời mỗi người
Nhận Giấy chứng nhận kết hôn: Thời khắc quan trọng trong cuộc đời mỗi người

Những “đám cưới pháp luật” thú vị

Luật Hôn nhân gia đình có quy định, UBND địa phương có nghĩa vụ tổ chức buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho người dân, tuy nhiên, thông thường, do thời gian ít ỏi, các buổi lễ như thế thường được tinh giản. Tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, các cán bộ Tư pháp huyện lại luôn trăn trở về điều này, cho rằng chứng nhận đăng kí kí hôn là chuyện đại sự của một đời người, hai con người gắn kết với nhau bằng mối dây thiêng liêng của tình yêu thương, với sự xác nhận về mặt pháp luật, vì thế, thiếu đi lễ trao chứng nhận đăng kí kết hôn là một “thiệt thòi” cho các cặp vợ chồng. Bến Lức là một địa phương nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân, người lao động trẻ, vì vậy, họ có nhiều điều kiện gặp gỡ, thương yêu và kết hôn.

Vậy, phải làm thế nào để có thể tổ chức buổi lễ, nhưng cũng tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc cho cả hai bên? Cuối cùng, giải pháp đã có, và các đôi vợ chồng trẻ trên địa bàn huyện đã được thủ hưởng một buổi lễ đăng kí kết hôn đầy giản dị nhưng không kém phần trang trọng.

Lễ đăng ký giản dị nhưng ấm cúng
Lễ đăng ký giản dị nhưng ấm cúng

Các cặp đôi đăng kí kết hôn sẽ được hỏi ý, và tất nhiên đa phần đều đồng ý tham gia buổi lễ. Tùy thuộc vào việc thu xếp thời gian của họ, mà đa số đều là người lao động, công nhân nghèo, chỉ rảnh vào ngày cuối tuần, các buổi lễ sẽ được tổ chức tại Hội trường UBND Xã, thị trấn. Buổi trao chứng nhận kết hôn không kém gì một đám cưới nhỏ, tại đó “Chú rể” sẽ mặc áo sơ mi đóng thùng, cô dâu mặc áo dài, đại diện “hai họ” là UBND xã, thị trấn, cán bộ Tư pháp, Công an, phụ nữ địa phương, Đoàn thanh niên...Cô dâu chú rể cũng được tặng hoa, chụp ảnh. Thay cho lời phát biểu chủ hôn, lại là những lời dặn dò, chúc chân tình của lãnh đạo địa phương, của đại diện các ban ngành, đi kèm với việc phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân và nhiều kiến thức pháp luật hữu ích khác cho đôi vợ chồng mới cưới.

Nước mắt và nụ cười trong lễ trao chứng nhận kết hôn

Ngày 12/3 năm 2015 là một ngày khó quên trong đời đối với anh Trần Văn Hòa, sinh năm 1987, quê ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Anh Hòa rời quê hương, đến Bến Lức làm việc kiếm sống, rồi tại đây gặp gỡ và yêu chị Phạm Thị Thanh Lan, sinh năm 1993 ở địa phương. Quyết định tiến đến hôn nhân, anh chị đi đăng kí kết hôn và được hẹn ngày đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Rồi anh thật sự bất ngờ khi được hỏi, mình có muốn tham dự một buổi lễ nhận giấy chứng nhận đăng kí kết hôn trang trọng. Trong buổi lễ ấm cúng ấy, anh vừa ngạc nhiên, vừa cảm động, bảo là chưa bao giờ biết là đi nhận đăng kí kết hôn mà cũng có tổ chức lễ như “ăn hỏi” vậy. Trong buổi lễ, anh cứ nhìn chị cười mãi, chẳng biết là vui vì cưới được người con gái Bến Lức thảo hiền, hay vui vì được chính quyền địa phương quê vợ “hay ho” quá.

Không ít cô dâu đã rơi nước mắt xúc động
Không ít cô dâu đã rơi nước mắt xúc động

Có những đôi vợ chồng nghèo, không có tiền làm đám cưới, chỉ đơn giản định về sống với nhau, thì với họ, những Buổi lễ trao chứng nhận kết hôn như thế chính là một lễ kết hôn long trọng, một kỉ niệm khó quên trong đời, dấu mốc cho một cuộc hôn nhân gắn kết vợ chồng. Không ít cô dâu đã rơi nước mắt xúc động ngay buổi lễ, những giọt nước mắt hạnh phúc như ngày “lên xe hoa”.

Từ một hình thức tổ chức lễ đơn giản ban đầu, giờ đây, nhận thấy được sự ủng hộ và niềm vui của người dân, mô hình Lễ nhận giấy chứng nhận kết hôn đã lan rộng khắp huyện Bến Lức, được thực hiện trên khắp địa bàn các xã, thị trấn. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn huyện Bến Lức đã tiếp nhận, hướng dẫn tổ chức đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn cho 1542 cặp vợ, chồng đủ kiều kiện.

Ông Trần Văn Tươi, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức chia sẻ, trong gần chục năm gắn bó với công tác tư pháp và triển khai mô hình “lễ cưới pháp luật” này, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu đôi tình nhân chính thức thành vợ chồng, không biết bao nụ cười, bao giọt nước mắt xúc động của họ. Rồi, những cặp đôi ấy chung sống, có vui buồn, nương tựa sẻ chia. Hầu hết những cặp đôi ấy, vẫn luôn liên quan đến công việc của ông, khi họ tách, nhập khẩu, sinh con, đăng kí khai sinh, hộ tịch…vv.  Nhìn thấy họ sinh con đẻ cái, hạnh phúc, ông như thấy mình và những cán bộ địa phương có chút gì tự hào, vui lây trong ấy.

Nhiều cặp vợ chồng sau này có con cái, đi nhập khẩu, tách khẩu... vẫn giữ mỗi liên hệ với cán bộ Tư pháp và vẫn nhớ cảm giác xúc động ngày được trao Giấy chứng nhận kết hôn
Nhiều cặp vợ chồng sau này có con cái, đi nhập khẩu, tách khẩu... vẫn giữ mỗi liên hệ với cán bộ Tư pháp và vẫn nhớ cảm giác xúc động ngày được trao Giấy chứng nhận kết hôn

Bất cứ trong công việc nào, ngòai chấp hành đúng quy định, đúng nguyên tắc còn có một chữ “tình”. Chỉ cần dùng chữ tình, dùng tấm lòng để làm việc, thì luôn sẽ có sáng kiến. Có tấm lòng, công tác tư pháp hay bất cứ công tác trong lĩnh vực nào cũng đều sẽ đem lại những ý tốt đẹp, ấm áp tình người, được dân mến, dân yêu.

Đọc thêm