Lễ hội tưởng nhớ vị Hoàng đế xưng vương trong ngày Giỗ Tổ

(PLO) - Điều kỳ diệu ít người biết đến là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm cũng là ngày Đinh Tiên Hoàng chính thức đăng quang Hoàng đế sau khi dẹp loạn 12 sứ quân ở đất cố đô. Để tưởng nhớ thời khắc lịch sử trọng đại này, người dân Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) lấy ngày 10/3 âm lịch là ngày lễ hội truyền thống của quê hương. 
Phần rước nước trong Lễ hội Trường Yên.
Phần rước nước trong Lễ hội Trường Yên.

Đăng quang Hoàng đế đúng ngày Giỗ Tổ

Ý tưởng này của Vua Đinh được định đoạt ngay từ ngày ấy và truyền đời cho những người dân cố đô đến tận bây giờ. Ông Nguyễn Văn Son (hội viên Hội Di sản Việt Nam) phỏng đoán, có lẽ việc Đinh Tiên Hoàng khẳng định nền độc lập tự chủ ngay từ những ngày đầu dựng nước đã được truyền đời đến cư dân cố đô, bởi đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, khi tiến hành tu sửa đền thờ Vua Lê, nhiều người đã thấy dòng chữ Bắc Môn tỏa thược (có nghĩa là đóng chặt cửa Bắc) trước cửa đền thờ. 

Ngoài ra, ông Son cũng khẳng định ý chí xây dựng một đất nước độc lập, kế tục các đời Vua Hùng của Đinh Tiên Hoàng qua câu đối “Thượng kế Hồng Bàng Vương giả hậu/ Hạ khai Đại Việt Đế chi tiên” được thờ tại Phủ Đại, nơi Đinh Tiên Hoàng đăng quang Hoàng đế (thuộc xã Trường Yên ngày nay). Câu đối này có nghĩa, ban đầu Đinh Bộ Lĩnh tiếp bước dòng dõi Hồng Bàng xưng tước vương cuối cùng (chính là Vạn Thắng Vương, dẹp loạn 12 sứ quân); sau đó khai sinh ra nước Việt và xưng hoàng đế đầu tiên. 

Ông Son lý giải: Vua Đinh nhằm đúng ngày 10/3, Giỗ Tổ Hùng Vương để đăng quang với một mục đích, ý đồ rất rõ ràng. Bởi tương truyền, các đời Vua Hùng đều thăng thiên sau khi mất. Do vậy, Đinh Tiên Hoàng chọn đăng quang đúng ngày thăng thiên của các Vua Hùng để gửi thông điệp khai sinh nước Đại Cồ Việt. Ý tưởng của Vua Đinh Tiên Hoàng là theo dòng dõi Hùng Vương, dù chỉ là một bộ tộc nhỏ nhưng độc lập và chưa chìm trong nghìn năm Bắc thuộc. Ngoài ra, có thể thâm ý của Đinh Tiên Hoàng chọn ngày đăng quang đúng vào ngày giỗ của Hùng Vương bởi Ngài cho rằng, đó là ngày anh linh của các đời Vua Hùng về với con cháu, nên Đinh Tiên Hoàng muốn gửi thông điệp theo các Vua Hùng lên thượng giới. 

Độc đáo Lễ hội Cờ lau xưa…

Đó có thể là lý do mà những người dân Trường Yên luôn khai hội Cờ lau lịch sử vào những ngày tháng 3 âm lịch sử và chính hội luôn là ngày mùng 10 để tưởng nhớ Vua Đinh. Tục truyền rằng Tổng Trường Yên có 5 làng nhưng ngày xưa mỗi làng có những quy định về nghi thức sinh hoạt riêng. Như khai mạc (mùng 6) và kết thúc (ngày 12) đều do Tổng thực hiện các nghi thức rước nước, tế lễ. 5 ngày lễ hội còn lại là do 5 làng thực hiện tế lế theo phiếu gắp thăm, các lễ vật phải được chuẩn bị chu đáo trước đó. Lễ vật quan trọng là phải có một con lợn tế, đạt tiêu chuẩn của tổng đề ra. 

Nuôi con lợn tế phải thực hiện nghiêm khắc theo các bước như sau: Phải chọn con lợn đẹp, hình thức phải vuông vức, trơn lông, mỏng da, lợn ỉ đen nhưng móng phải hơi phớt hồng. Lợn phải nuôi trong chuồng cũi chứ không phải nuôi chuồng đất hoặc thả rông. Ván lát chuồng lợn phải là gỗ sạch, mới tinh chứ không được dùng ván tạm (loại ván nhặt đâu đó ngoài vườn). Từ lúc hơ vía, thả lợn vào chuồng trở đi phải gọi là ông lợn. Xung quanh chuồng phải che mành chống muỗi, ruồi. Buổi tối phải hun khói đuổi muỗi cho ông lợn. Thức ăn cho ông lợn không được dùng rau bèo, cám bã thường mà phải là loại ngon, được tuyển chọn rõ ràng. Các thức ăn này không được mua của gia đình đại tang hoặc gia đình đàn bà góa. Ngoài ra, ban lý dịch của làng sẽ chọn một cặp vợ chồng song toàn, đông con, hòa thuận để nuôi ông lợn. 

Chuẩn bị cho việc tế lễ thì ông lợn phải được khiêng ra đình làng, phải được chánh tổng, phó tổng, lý tổng và ban lý dịch kiểm tra. Nếu ông lợn có nốt muỗi đốt, sần đỏ, ghẻ lở hay đóng dấu thì làng đó sẽ bị tổng phạt vạ và không được tế đền. Khi tế đền không được tế lòng lợn vì tục truyền Vua Đinh bị Đỗ Thích giết do bỏ thuốc độc vào lòng lợn. Chủ tế của làng bắt buộc phải là người có ngoại hình đẹp và có chức sắc trong làng. Mọi hoạt động của chủ tế phải được chay tịnh trước hội lễ cả tháng. Sau đó cùng ăn, ngủ chay tịnh với các chủ tế làng khác 7 ngày trước khi diễn ra ngày tế Vua Đinh chính thức. 

Các vật phẩm tế lễ xong được chuyển về đình làng và chia phần. Khi ngồi ăn uống được sắp xếp theo thứ bậc, phẩm hàm từ trên xuống dưới, ví dụ, lý trưởng chính ngạch và thủ chi làng sẽ được miếng má có lăn (tức là miếng má có lưỡi), còn các lý quyên (tức lý trưởng mua) thì chỉ được miếng má lợn chứ không có lưỡi lợn. Những nhà giàu khi ra ngoài đình muốn được ngồi mâm trên, ngang vai với những người có chức sắc để được gọi là bậc đàn anh ăn to nói lớn, khi ra đường được dân làng gọi là cụ Bá, cụ Lý thì phải nộp cho làng một khoản tiền theo quy định và phải khao làng, nộp bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào vị trí chức sắc muốn mua. 

Và tưng bừng Lễ hội Trường Yên nay…

Năm 2015, Lễ hội Cờ lau chính thức được đổi tên thành Lễ hội Trường Yên để khắc ghi địa điểm Vua Đinh chính thức lên ngôi Hoàng đế. Lễ hội qua hàng năm có những biến chuyển nhất định nhưng không thể thiếu trò Cờ lau tập trận. Tham gia trò này có 60 em thiếu niên 13-15 tuổi, em khôi ngô nhất được chọn đóng Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng, tán tía. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh Vua Đinh cầm cờ lau tập trận. 

Ngoài ra còn có màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà Vua Đinh Tiên Hoàng đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái Bình”.

Đặc biệt, vào giờ phút thiêng liêng trong ngày 10/3, đoàn rước nước khởi hành từ đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước. Từ nhiều hôm trước ngày khai hội, người ta “trồng” ở sông Hoàng Long (gần cửa Đại Hoàng xưa) một cây tre lớn cành lá xanh tốt. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng đế nước Đại Việt – sau dựng nên cơ nghiệp nhà Đinh, dẹp được loạn sứ quân cát cứ, thu giang san về một mối; cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ…

Khi đoàn rước đến sông Hoàng Long sẽ xuống thuyền. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn hà bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền.

Đọc thêm