Lợi ích nhà đầu tư và đất nước

(PLO) - Nhà nước thiếu tiền nên buộc phải “bán đường” và chưa bao giờ các tuyến giao thông trọng yếu, trong đó có huyết mạch quốc lộ 1A lại trở thành “mỏ tiền” lộ thiên như những năm vừa qua. Làm BOT trong điều kiện hành lang pháp lý cho chuyện “bán – mua” này chưa đầy đủ đã đẻ ra nhiều hệ lụy chúng ta phải tiếp tục giải quyết.
Lợi ích nhà đầu tư và đất nước

Như bạn đọc đã biết, ngày 10/8 vừa qua Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ (TCĐB) tạm dừng thu phí đường bộ tại Trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) để tiếp tục đàm phán và xử lý. Ngay sau khi có quyết định này, nhà đầu tư dự án này đã phản ứng quyết liệt. Quyết liệt là đúng bởi đụng vào “mỏ tiền” của họ. 

Phía bên “nhà đầu tư” cho rằng, đây là hợp đồng kinh tế, việc đơn phương dừng hợp đồng như vậy là trái luật. Về phía quản lý nhà nước, lãnh đạo TCĐB cho rằng, theo hợp đồng ban đầu, thời gian thu phí là hơn 29 năm thì mới được 3 năm tạo lợi nhuận, nhưng nay rút ngắn xuống 7 năm thì chỉ còn 1 năm lợi nhuận. Mà một năm lợi nhuận đã thực hiện xong. Do đó, dù còn một số ý kiến phản đối, nhưng động thái này của Bộ GTVT được đông đảo người dân ủng hộ.

Dù sao, tranh cãi pháp lý việc dừng thu phí này chắc sẽ còn dài dài và nó có thể là “án lệ” tốt cho một loạt dự án thu phí BOT khác đang phải giảm thời gian thu phí. 

Đáng lo qua “câu chuyện Tào Xuyên” là gì?

Thứ nhất, sao lại việc thu phí phải giảm từ 27 năm xuống còn 7 năm? Rõ ràng là khi lập tự án, người ta đưa ra con số trời ơi đất hỡi. Xin lưu ý, đầu năm nay, khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, với chỉ 27 dự án BOT, cơ quan này đã kiến nghị giảm gần 100 năm thu phí. Với chức trách của mình, sau đó khoảng 3 tháng, tháng 5/2017, Bộ GTVT điều chỉnh giảm thời gian thu phí hơn 92 năm cho 13 dự án... Điều này cho thấy có 2 khả năng: một là, các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt “dự án” quá dốt; hai là, có sự “bắt tay” nào đó. 

Tất cả các dự án BOT này đều được chỉ định thầu, liệu chủ đầu tư có “đi đêm” với cơ quan ra quyết định không? Chắc chắn là có. Việc chỉ định thầu và cách tính toán thu phí sai lạc lớn đến mức duy nhất có ở Việt Nam cho thấy rõ ràng là có bắt tay để “chia chác”. Đáng tiếc, cơ quan kiểm toán, thậm chí thanh tra, điều tra tìm cho ra “chứng cứ” không hề dễ chút nào. Đây chính là điều khó khăn nan giải nhất của cuộc chiến chống “chủ nghĩa thân hữu”, lợi ích nhóm để tham nhũng ở nước ta hiện nay. 

Người tham gia giao thông có phương tiện ô tô và các doanh nghiệp vận tải đường bộ đã và đang bị “móc túi” một cách không thương tiếc.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 12/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh giảm chi phí cho doanh nghiệp. Xin thưa, giảm phí đường bộ cho doanh nghiệp vận tải cũng chính là giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng của đất nước.

Đọc thêm