Luật pháp quốc tế vẫn là nền tảng quan trọng duy trì trật tự thế giới

(PLO) - Chiều 28/11, tại TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày làm việc, Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. 
Phó GS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại Giao) phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Phó GS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại Giao) phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay luật pháp quốc tế có thể chưa hoàn thiện hoặc bị diễn giải theo nhiều cách khác nhau tùy lợi ích của từng nước, song đó vẫn là nền tảng quan trọng để duy trì trật tự thế giới vì thịnh vượng chung. Các học giả cho rằng các nước thay vì tìm cách khai thác các lỗ hổng của luật pháp quốc tế cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và thống nhất cách diễn giải để thúc đẩy hòa bình và hợp tác trên biển; tránh “tiêu chuẩn kép” trong diễn giải và thực thi luật pháp quốc tế.  

Bên cạnh đó, các nước có lợi ích ở Biển Đông cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong khu vực. Các nước trong khu vực và trên thế giới cần thể hiện trách nhiệm với hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp thông qua việc thực thi các phán quyết của toà án và trọng tài. Các học giả cho rằng quá trình đàm phán COC sẽ phải giải quyết những khó khăn liên quan đến việc xác định phạm vi địa lý, hiệu lực, điều khoản về tranh chấp của Bộ quy tắc. 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhận định, vấn đề Biển Đông còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy, cần ý chí chính trị chung, lòng tin, cơ chế hiện hành dựa trên luật pháp quốc tế và một cách tiếp cận dung hòa, sáng tạo để vượt qua những thách thức, khó khăn và thúc đẩy hợp tác, hòa bình và ổn định của khu vực. 

Đọc thêm