Mùa xuân đất nước

(PLVN) -  Đại hội XIII không phải chỉ cho giai đoạn 2021 - 2026 mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai.

...Năm 2020 là năm chúng ta chuẩn bị tiến hành Đại hội XIII của Đảng. Nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai.

Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. 

Đại hội Đảng lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?

Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa?

Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. 

Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. 

Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Chúng ta đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Sắp tới, nơi nào làm tốt chúng ta phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.

Không kỳ thị, nhưng đồng thời đơn vị nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Những vấn đề như vậy chúng ta có cần bàn không? Chúng ta nói đại hội mang tầm chiến lược là như thế.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10 ngày 16/5/2019)

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. 

Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước..., cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41...

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt khối lượng lớn các yêu cầu và nhiệm vụ của năm 2020.

Đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Đồng thời, cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. 

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV)

Bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải  huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển. Đối với Việt Nam, để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội XII của Đảng đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với hành trình hơn 2/3 chặng đường của toàn bộ nhiệm kỳ, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ đang dần rút ngắn, tình hình thế giới và khu vực lại biến động phức tạp, khó lường.

Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ các động lực vật chất và tinh thần, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ toàn nhiệm kỳ và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới.

(Trích bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Đọc thêm