Muốn giảm bạo lực học đường, cha mẹ phải làm gương

(PLVN) -  Bạo lực học đường có phải chỉ xuất phát từ khủng hoảng tâm lý tuổi học trò? Theo Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Đại học Sư phạm Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường mà cách ứng xử của cha mẹ trong gia đình có tác động rất quan trọng.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên cho biết, đã có nhiều nghiên cứu giải thích về nguyên nhân của các hành vi khủng hoảng của tuổi học đường trong đó có hành vi gây hấn, bạo lực (Hình minh hoạ)
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên cho biết, đã có nhiều nghiên cứu giải thích về nguyên nhân của các hành vi khủng hoảng của tuổi học đường trong đó có hành vi gây hấn, bạo lực (Hình minh hoạ)

Càng ngày, trẻ càng khó kiểm soát hành vi

Nếu lên trang Google tìm kiếm với cụm từ khóa: “Bạo lực học đường” thì chỉ trong 0.37 chúng ta sẽ nhận được 15.200.000 kết quả. Kết quả này nói lên nhiều điều trong đó cho thấy tình trạng đáng báo động của nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường đang thực sự trở thành nỗi lo lắng, trăn trở không chỉ của nhà trường, ngành giáo dục, phụ huynh mà là của xã hội.

Thực tế hiện nay, hiện tượng trẻ thiếu kiểm soát hành vi và cảm xúc trong trường học, ở gia đình và trong các mối quan hệ xảy ra ngày càng nhiều với tính chất phức tạp. Điều này dẫn tới sự khó khăn trong giáo dục nhà trường và gia đình hiện nay. Thậm chí, một số giáo viên còn khẳng định: Giáo viên hiện nay là một trong những nghề nguy hiểm. Từ “nguy hiểm” ở đây được họ hiểu theo đúng nghĩa đen của nó.

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên cho biết, đã có nhiều nghiên cứu giải thích về nguyên nhân của các hành vi khủng hoảng của tuổi học đường trong đó có hành vi gây hấn, bạo lực. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu chỉ ra một trong những biểu hiện của khủng hoảng là tình trạng bạo lực học đường và các nguyên nhân của nó như: Chứng kiến bạo lực, sự kém tuân thủ các quy định, mối quan hệ với bạn bè xung quanh có vấn đề, nạn nhân của bạo lực, ấn tượng với trường học, thái độ với bạo lực, tính nóng nảy. Một số nguyên nhân khác được biết đến như: Thiếu giáo dục giá trị sống; thiếu thời gian, phương pháp giáo dục của cha mẹ; ảnh hưởng từ môi trường sống, từ hành vi bạo lực trong gia đình; ảnh hưởng của công nghệ thông tin, truyền thông và sự du nhập của văn hóa quốc tế….

Theo lý thuyết học tập xã hội và các giải pháp, bạo lực học đường không chỉ do sự thiếu vắng kiểm soát bên trong và bên ngoài mà còn liên quan đến các yếu tố khác như sự bắt chước hoặc có tần suất tiếp xúc với bạo lực cao. Với trẻ em sống trong gia đình có hành vi bạo lực, lớn lên ra ngoài xã hội có thể  rụt rè, sợ hãi người khác, không dám bày tỏ suy nghĩ của mình- trở thành nạn nhân của bạo lực, hoặc ngược lại cũng có thể sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống....

Điều đó có nghĩa là, nếu các em học sinh sống trong một môi trường gia đình ít được cha mẹ quan tâm, cha mẹ thường xuyên có hành vi bạo lực hoặc các em là nạn nhân của bạo lực gia đình thì rất có thể, các em lại chính là chủ thể gây ra tình trạng bạo lực học đường.

Giáo dục học sinh cần xuất phát từ hành vi của người lớn

Việc giảm thiểu hành vi bạo lực học đường nói riêng và bạo lực trong xã hội nói chung không chỉ là trách nhiệm của nhà trường và các giáo viên mà là trách nhiệm cả cộng đồng xã hội, của tất cả những người xung quanh có tương tác trực tiếp hay gián tiếp với trẻ, đặc biệt là gia đình.

Cách ứng xử giữa cha mẹ với nhau và giữa cha mẹ với con cái có ảnh hưởng rất quan trọng tới việc hình thành tính cách của trẻ (Hình minh hoạ)
Cách ứng xử giữa cha mẹ với nhau và giữa cha mẹ với con cái có ảnh hưởng rất quan trọng tới việc hình thành tính cách của trẻ (Hình minh hoạ) 

Bởi vậy, Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên luôn nhấn mạnh, giáo dục hành vi cho học sinh cần xuất phát từ hành vi của người lớn, đảm bảo được sự gương mẫu trong hành vi của mỗi người lớn xung quanh trẻ (từ nhà trường, gia đình hay cộng đồng). Đặc biệt là trong gia đình, hành vi của cha mẹ phải là hình mẫu để con noi theo từ khi còn rất nhỏ đến lúc trưởng thành.

Không chỉ cần chú ý giáo dục khả năng tự kiểm soát cho học sinh, theo Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh cũng cần quan tâm đến nhóm bạn mà con thường xuyên tương tác và hướng dẫn con cách chọn bạn, cách ứng xử với các tình huống trong xây dựng tình bạn.

Đặc biệt, Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên chỉ ra rằng, các hình mẫu từ truyền thông có ảnh hưởng vô thức nhưng rất mạnh mẽ đến trẻ do tính hấp dẫn của kênh thông tin này.

 Chắc hẳn không ít phụ huynh sẽ ngỡ ngàng khi thấy cậu con ngoan hiền của mình “thần tượng” Khá Bảnh hay thích nghe những bản nhạc chế tục tĩu trên mạng. Do đó, việc quản lý truyền thông từ vĩ mô (nhà nước) đến vi mô (mỗi gia đình, nhà trường) là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình hay cộng đồng đều có trách nhiệm phát hiện ra những nguy cơ có hành vi lệch chuẩn, bạo lực ở học sinh để kịp thời có biện pháp ngăn chặn trước khi để xảy ra hậu quả

Đọc thêm