Nếu nhà báo “diễn”, khán giả có bất bình không?

(PLO) - Tuần qua, nổi trận sóng cồn gây bão mạng. Nhiều người xúc động đến phát khóc với người dẫn chương trình đóng vai “phóng viên chiến trường” kiêm đạo diễn suýt chết đến 3 lần trong cuộc chiến “không biết vì đâu” và những thảm cảnh do chiến tranh mang lại.
Nhà báo Lê Bình cùng ekip tại Syria. Ảnh: I.T
Nhà báo Lê Bình cùng ekip tại Syria. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phản biện với ký sự này, cho rằng người dẫn đã “diễn quá sâu” và những gì đang diễn ra trong ký sự đầy hiểm nguy này chỉ là cảnh đóng.

Tác giả của thiên ký sự chiến tranh này – “người phụ nữ quyền lực VTV” rất tự tin trả lời những thắc mắc từ phía độc giả, mặc cho bị phê phán là “ấu trĩ”, không phân biệt nổi “lãnh sự quán” với “lãnh sự danh dự”, tham vọng phỏng vấn Tổng thống Syria Basha al- Assat mà chưa có hãng thông tấn nổi tiếng nào trên thế giới làm nổi.

Chắc hẳn chị không còn tự tin như thế nữa khi trên mạng xuất hiện ký sự chiến trường do một nhà báo Nga thực hiện vào cuối năm 2014. So với ký sự của chị không giống nhau như một cặp song sinh nhưng cũng như anh em cùng cha khác mẹ vậy!

Chị là nhà báo truyền hình khá nổi tiếng, khán giả chờ xem những tác phẩm báo chí của chị là lẽ tất nhiên và tất nhiên sẽ hứng thú, quan tâm đến những điều thú vị, hấp dẫn và thông điệp từ tác phẩm đó mang lại. Nhưng lần này, mọi thứ dường đã khác, ký sự Syria bị phê phán rất nhiều, ở những góc độ khác nhau, không chỉ khán giả bình thường mà cả những nhân vật tiếng tăm hoặc những người am hiểu, chuyên môn sâu ở lĩnh vực này.

Sứ mệnh của nhà báo là chiến sỹ trên mặt trận thông tin mà người chiến sỹ đó thể hiện như thế nào, chính độc giả, khán giả là những “giám khảo” đánh giá khách quan và chính xác nhất. Có điều lưu ý trong chuyện này là trình độ đánh giá của công chúng nước ta đã tiến xa rất nhiều, không có gì giả dối mà qua được mắt họ!

Bên cạnh những nhà báo nổi tiếng, trở thành “người của công chúng” với những chiến tích ầm ỹ thì cũng có các nhà báo lập chiến công thầm lặng. Tuần qua, dư luận bị hút vào những vụ án lớn thì có một vụ án xử tội tham nhũng mở ra tại Hà Nội mà người đã phát hiện ra vụ án này chính là một nhà báo.

Đó là vụ xử các cán bộ của Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) với 8 bị cáo và số tiền bị cáo buộc làm thất thoát của Nhà nước 7,8 tỷ đồng. Đáng chú ý là vụ án này hành vi hối lộ có đủ mặt người đưa và người nhận.

Để được nhận thầu một việc, người ta thỏa thuận “cưa đôi” số tiền trị giá cả một gói thầu. Cụ thể, gói thầu đó là 2,4 tỷ đồng, nhận thầu xong lập tức bên giao thầu nhận luôn 1,2 tỷ bằng 50%.

Thêm một bằng chứng rất rõ ràng về kiểu tham nhũng rất trắng trợn hiện nay về những cái “bắt tay” chia chác trên đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Từ năm 2013, một phóng viên của Báo Thanh Niên đã phát hiện sai phạm của Công ty này. Lập tức anh được các vị lãnh đạo của công ty săn đón, gửi quà và tiền hối lộ để vụ việc im lặng. Anh đã từ chối các món quà này, báo cơ quan chức năng và vụ việc bị phanh phui vào giữa năm 2014 và bây giờ khi đưa ra xét xử, cáo trạng ghi nhận sự phát hiện của phóng viên này thì anh không còn là phóng viên nữa vì bị tờ báo cho thôi việc với các lý do khác. Không còn ai biết đến và biểu dương sự dũng cảm, trách nhiệm cũng như giữ mình trong sạch của nhà báo này. 

Hai câu chuyện về hai nhà báo, hai sự việc nổi và chìm, tên tuổi và ẩn danh, nổi và chìm, sôi động và thầm lặng, họ đều thực hiện sứ mệnh nhà báo đấy nhưng kết quả và sự ghi nhận có khác nhau!

Đọc thêm