Nhúc nhích đi chứ

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ từng đề cập “văn hóa không nhúc nhích” để chỉ tình trạng thụ động, bàng quan, làm ngơ trước những việc thuộc phạm vi trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người ở cương vị chủ chốt.
Cây cầu đã xây dựng xong nhưng không có đường dẫn lên
Cây cầu đã xây dựng xong nhưng không có đường dẫn lên

Mới đây, báo chí phản ảnh chuyện một cây cầu ở tỉnh Hòa Bình đã khánh thành từ năm 2016 nhưng cho đến nay vẫn chưa đi lại được vì không có đường dẫn lên cầu. Cái đường ngầm đã bị phá đi và dân tình đành lóp ngóp lội suối dưới chân cầu này.

Bộ Giao thông Vận tải có công văn đề nghị tỉnh “xem xét” và ngay sau đó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu chính quyền sở tại và các đơn vị liên quan để cây cầu này “sớm” đưa vào sử dụng. Sự nhúc nhích chỉ bắt đầu khi công luận lên tiếng mà thôi, chứng tỏ văn hóa “không nhúc nhích” còn phổ biến lắm.

Sự nhúc nhích gọi là cho có khá phổ biến trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản trị xã hội. Doanh nghiệp án ngữ đường xuống biển, khai thác khoáng sản bừa bãi, xây dựng không phép hoặc quá giới hạn cho phép, lấn chiếm đất công,... có địa chỉ cụ thể, báo chí phản ảnh rõ ràng nhưng chính quyền sở tại và cơ quan chức năng chỉ có những động thái kiểm tra theo kiểu đối phó, không ai bị xử lý, rốt cuộc tình trạng đó kéo dài. Việc giải quyết đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn kéo dài 12 năm, đến nay vẫn nhùng nhằng việc “đang xử lý”, “xin ý kiến” chỉ là một ví dụ, rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên cả nước.

Chính do sự “không nhúc nhích” mà cứ có sự cố nghiêm trọng xảy ra, dư luận bức xúc là phải có chỉ đạo từ Chính phủ mới làm, lẽ ra đó là công việc thường ngày, thường trực, thuộc chức năng phải giải quyết kịp thời của chính quyền sở tại và cơ quan trực thuộc.

“Không nhúc nhích” cũng có thể thấy ở những cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các quy định “từ trên trời” hoặc từ “trong phòng lạnh”, không hề mảy may tác động đến thực tế đời sống hoặc là phản tác dụng. Ở những lĩnh vực lớn hơn như cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, chống tham nhũng,... cũng nhìn thấy sự trông chờ, hô khẩu hiệu còn bản thân và cơ quan mình “bình chân như vại” hoặc chỉ… nhúc nhích gọi là.

Hệ quả của cách ứng xử này là gây nên những bức xúc trong nhân dân, bất công trong xã hội, suy giảm sức mạnh của bộ máy công quyền cùng với niềm tin của dân chúng, ai cũng thấy rõ.

Đọc thêm