Nhức nhối tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp

(PLVN) - Đó là một trong năm vấn đề Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ra với Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12.
Một khu vực bị phong tỏa vì có người nhập cảnh trái phép nhiễm Covid-19.
Một khu vực bị phong tỏa vì có người nhập cảnh trái phép nhiễm Covid-19.

Thứ nhất, ông Lâm đề nghị trong năm 2021 tiếp tục xây dựng thể chế. Đây là một trong 3 đột phá Trung ương đã chỉ đạo. Lực lượng công an là một trong những lực lượng bảo đảm công tác an ninh trật tự, rất có ý nghĩa để toàn dân, các ngành, các cấp thực hiện kỷ cương, kỷ luật, trật tự, bình đẳng an toàn.

Năm 2020, lực lượng công an đã làm rất tốt công tác này và năm 2021 tiếp tục đưa công tác này vào nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, ông Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ đưa nội dung này vào trong công tác xây dựng thể chế, còn cụ thể thì Bộ Công an đã có báo cáo đề xuất.

Vấn đề thứ hai là về công tác an ninh kinh tế, theo ông Lâm, chúng ta quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng phải trên nền tảng bảo đảm an ninh kinh tế, nhất là khi hội nhập sâu rộng vấn đề an ninh kinh tế càng trở nên rất quan trọng.

Vấn đề này Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 12 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai để làm sao công tác an ninh kinh tế và việc phát triển kinh tế phát triển theo đúng định hướng, không chệch hướng. Chệch hướng trong phát triển kinh tế, theo ông Lâm, là một trong 4 nguy cơ Đảng đã chỉ ra nhiều năm nay.

“Trong năm 2020, Việt Nam đã làm rất tốt, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều công việc, từ cổ phần hóa, tập trung phát huy nguồn lực trong dân, tập trung phát triển kinh tế nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chống gian lận thương mại, phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt”, tuy nhiên, ông Lâm cũng lưu ý, vẫn còn nhiều nội dung trong phát triển kinh tế cần tăng cường an ninh. Đó là những vấn đề còn khó khăn trong quản lý kinh tế như: còn nhiều hoạt động chuyển giá, quản lý tiền tệ, chứng khoán, quản lý dòng tiền, quản lý về phát triển doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, quản lý đất đai, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…

Vì vậy, cần tập trung làm lành mạnh, bình đẳng, tự do, đúng pháp luật, tạo sự ổn định, phát triển đúng hướng.

Thứ ba, ông Lâm đề cập đến việc tập trung công tác phòng chống tội phạm, làm sao giảm tội phạm hình sự. Trong nhiều năm gần đây Bộ Công an kiến nghị việc này và trên thực tế năm 2019, 2020 đã làm rất tốt.

“Năm nay giảm 6,8% so năm trước. Đây là kết quả rất đáng mừng. Phấn đấu mỗi năm giảm 5 - 8%. Hiện nay, trên thực tế nhiều ngày, nhiều địa phương cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự”, ông Lâm dẫn chứng Cao Bằng năm 2019 có 360 vụ, bình quân mỗi ngày có một vụ. Năm 2020 còn 300 vụ, giảm 60 vụ. Như vậy trung bình giảm 2 tháng không có tội phạm hình sự. Người dân sống trong an lành, yên bình.

“Năm 2021, chúng tôi đăng ký tiếp với Chính phủ giảm ít nhất 5% số vụ việc phạm pháp hình sự. Hi vọng huy động toàn dân, các cấp, các ngành vào cuộc”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Vấn đề thứ tư được Bộ trưởng Công an kiến nghị là quan tâm chăm lo hơn nữa cho đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, những vùng chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và hiện 62 huyện nghèo đều tập trung vào các khu vực này. Nếu đời sống nhân dân khó khăn thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phát triển trong xã hội không đồng đều tạo áp lực rất lớn trong xã hội.

“Vì vậy cần tạo sự bình đẳng trong xã hội, tạo vành đai an ninh quốc phòng vững chắc. Chúng ta có 62 huyện nghèo mà có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành “đỡ đầu” cho 1 huyện thì rất tốt”, ông Lâm đề nghị.

Thứ năm, Bộ trưởng Công an đề cập đến dịch Covid-19 hiện diễn biến dịch còn phức tạp, rất cần tập trung quản lý, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội. “Trước mắt là tổ chức Đại hội Đảng và Tết Nguyên đán, nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước rất lớn. Chúng tôi đang xử lý vấn đề này rất vất vả. Nếu không tỉnh táo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lâm nói.

Đại tướng Tô Lâm dẫn con số thống kê hiện đã đưa 70.000 người nước ngoài về nước và cho hay, vẫn còn hàng trăm nghìn người ở nước ngoài muốn về và tăng lên rất lớn trong dịp cuối năm.

“Đời sống của bà con trong vùng dịch bệnh ở nước ngoài rất khó khăn, do bệnh dịch nên không được chăm lo chu đáo. Tâm tư nguyện vọng của người Việt được về quê trong dịp Tết rất nhiều. Số lao động xung quanh Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc rất lớn, hàng trăm ngàn người. Hiện tại 2 điểm sát Việt Nam là Trung Quốc và Campuchia, số lượng lao động về nước bằng đường bộ cũng rất lớn”, Bộ trưởng Công an nêu thực tế.

Bên cạnh đó, thực trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp trung bình mỗi ngày hàng trăm nngười. Từ đầu năm nay khoảng 14.000 người xuất nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng.

Đọc thêm