Quốc hội giao trọng trách cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

(PLO) - Nhìn nhận những thành quả của Công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Quốc hội đã tiếp tục giao trọng trách cho các cơ quan này trong giai đoạn tiếp theo:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Được thông qua với đa số phiếu tán thành, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016, Nghị quyết cũng yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, trong đó chú trọng thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

1. Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội để Quốc hội phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoạt động lập pháp phải kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khả thi của các luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự, ngân sách nhà nước, công trình, dự án quan trọng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát việc sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước, chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội; giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.

2. Chủ tịch nước tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, công tác đặc xá và chỉ đạo công tác cải cách tư pháp.

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ hành động, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; nỗ lực phấn đấu, có giải pháp hiệu quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Cơ cấu lại, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và tài sản công; có các biện pháp thích ứng để tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giải quyết tốt vấn đề nợ công, nợ xấu, nợ chính phủ. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, phòng, chống cháy nổ, trật tự, an toàn xã hội; giảm tai nạn giao thông, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác xây dựng pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ và chất lượng, chú trọng khâu tổ chức thực thi; chấm dứt tình trạng luật, pháp lệnh phải chờ nghị định, quyết định, thông tư.

Tập trung cải cách hành chính, công vụ, kiện toàn bộ máy hành chính tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cán bộ, công chức, bộ máy hành chính phục vụ Nhân dân; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức; chấp hành đúng quy định về báo cáo trước Quốc hội, báo cáo Chủ tịch nước, báo cáo trước Nhân dân.

4. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; khẩn trương triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vi phạm pháp luật, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ; rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài, các đơn khiếu nại về oan, sai; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp.

5. Kiểm toán nhà nước tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; thực hiện nghiêm Luật kiểm toán nhà nước. Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm.

Quốc hội cũng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân; góp phần củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước để Nhà nước ta thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đọc thêm