Sắp xếp, sáp nhập sở, ngành: Không phải dập khuôn máy móc

(PLVN) - Hôm nay (11/3), phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu khai mạc. Trong thời gian làm việc từ 11 - 13/3, Uỷ ban TVQH dự kiến sẽ xem xét thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Sắp xếp tổ chức bộ máy là cần thiết nhưng cần thận trọng (ảnh minh họa)
Sắp xếp tổ chức bộ máy là cần thiết nhưng cần thận trọng (ảnh minh họa)

Trước đó, tuần qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã họp với các bộ, ngành liên quan về thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết 18, Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XII). Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa chốt phương án cuối cùng về việc sắp xếp, sáp nhập sở, ngành, phòng, ban. 

Thời gian qua, do chưa có hướng dẫn cụ thể và thiếu cơ sở pháp lý nên việc triển khai sáp nhập sở, ngành trong thực tế ở các địa phương còn chưa đồng bộ, thậm chí máy móc. Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hay, việc sắp xếp, sáp nhập các sở, ngành... của chúng ta trong thời gian qua có thể nói là “làm xuôi, làm ngược”, dẫn đến hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có sự xem xét, cân nhắc, đánh giá thận trọng trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”- ông Nhưỡng nói.

Trả lời báo chí sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, quan điểm chung là việc sắp xếp, sáp nhập không tổ chức “cào bằng” như hiện nay mà sẽ xem xét các yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất lại một lần nữa các nội dung về sáp nhập sở, ngành, sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định và cố gắng hoàn thành dự thảo để trình Chính phủ sớm nhất.

Vậy khi thực hiện, làm thế nào để vừa đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; vừa sắp xếp được nhân sự vào những vị trí xứng đáng, giúp họ phát huy hết khả năng và sở trường?

Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng ban Dân nguyện cho hay, tính chất, điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng TP là không giống nhau. Mặt khác, ngay trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chúng ta cũng đã phân biệt rõ là “chính quyền địa phương”, “chính quyền đô thị”, do đó việc tổ chức bộ máy cần nghiên cứu cẩn thận ở khía cạnh này.

Tương tự, vấn đề thứ hai là khu vực đồng bằng, trung du khác khu vực miền núi và các vùng hải đảo. Ở  đồng bằng có tỉnh rất lớn, nhưng có tỉnh diện tích chỉ bằng một huyện của miền núi. Vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để tổ chức bộ máy nơi đó đủ sức gánh vác, đảm đương trọng trách, chứ không phải dập khuôn máy móc, rằng huyện và huyện là như nhau, hay chỉ dựa đơn thuần vào số dân, diện tích tự nhiên,  điều kiện đi lại....

Vấn đề thứ ba, tổ chức, sắp xếp bộ máy nhà nước còn liên quan đến việc chúng ta tiến tới làm thế nào để xã hội hóa dịch vụ công, mà xã hội hóa dịch vụ công ở các khu vực đô thị của các vùng TP khác với việc triển khai các dịch vụ công ở vùng xa xôi, hẻo lánh.

“Vấn đề thứ tư liên quan đến việc chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy 4.0 hay 5.0 còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng miền. Ví dụ, ở thôn bản, vùng sâu, vùng xa thì chúng ta có ứng dụng được không hay vẫn tiếp tục sử dụng con người?”- ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Thứ năm, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp các sở, ngành mà còn liên quan đến cả bộ máy hành pháp, tư pháp và bộ máy các cơ quan quyền lực nhà nước. Nghĩa là liên quan đến quá trình giám sát và thực hiện quyền tư pháp.

Chính bởi vậy, phải cân nhắc không chỉ trong phạm vi của các cơ quan này mà còn phải xem xét trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện. Đó là quyền lực Nhà nước phải thống nhất, đồng thời phải có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như thế nào để đảm bảo thông suốt cả hệ thống chính trị chứ không đơn giản là nhập hoặc tách một sở, ngành nào đó. 

“Ngoài việc cân nhắc đầy đủ 5 yếu tố quan trọng trên và những vấn đề khác, tôi cho rằng khi sáp nhập phải đồng thời thực hiện đầy đủ theo kế hoạch và thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ. Đặc biệt, phải chú trọng tuyên truyền, phổ biến để người dân cùng tham gia vào quá trình thực hiện hoạt động này”- ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị. 

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: 

"Không nên giao cho từng địa phương quyết định"

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: trong việc bố trí các sở, ngành (cấp tỉnh) và phòng, ban (cấp huyện), phải xem xét tới đặc thù của mỗi vùng, miền chứ không phải giao cho từng tỉnh, thành quyết định. “Tôi cho rằng hệ thống chính trị của chúng ta thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, cho nên quy định tại Nghị định của Chính phủ sắp tới cũng phải có sự thống nhất theo hệ thống chính trị đó”- Ông Hòa nói. ”

Ông Phạm Văn Hoà
Ông Phạm Văn Hoà 

Phân tích rõ hơn, ông Hòa cho rằng, trong vùng miền phải không có sự chênh lệch, nếu chênh lệch thì nhiều lắm cũng chỉ 2 đến 3 sở chứ không thể để mỗi nơi có sự tùy tiện khác nhau. Ví dụ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải thống nhất với nhau, không thể trong cùng một vùng mà tỉnh này có sở này, tỉnh khác lại không; tỉnh này sáp nhập sở A với sở B, nhưng tỉnh khác lại sáp nhập sở C với sở D. Nếu không có sự thống nhất chung, lúc đó trong điều hành rất khó.

“Vì đặc điểm của Việt Nam là có nhiều vùng miền, nhiều đồng bào dân tộc nên theo tôi phải có sự thống nhất. Chẳng hạn, với  tỉnh- thành loại 1 thì được bao nhiêu cơ quan chuyên môn; tỉnh- thành loại 2 được bao nhiêu?. Tương tự, các thành phố trực thuộc Trung ương có bao nhiêu cơ quan chuyên môn cũng phải nói rõ luôn chứ không giao cho từng địa phương sắp xếp- ông Hòa đề xuất. 

Đọc thêm