Sợ khi lãnh đạo có ý tưởng cho xe bus lưu thông vào làn xe máy giờ cao điểm

(PLO) - Nhằm góp phần giải quyết ách tắc giao thông, thu hút người dân đi xe bus, mới đây, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã đưa ra đề xuất ưu tiên cho xe bus đi vào làn đường xe máy giờ cao điểm để xe bus hoạt động đúng giờ. 
Cần có giải pháp toàn diện để chấn chỉnh xe bus, khiến xe bus trở thành một “văn hóa giao thông”, thu hút người dân.
Cần có giải pháp toàn diện để chấn chỉnh xe bus, khiến xe bus trở thành một “văn hóa giao thông”, thu hút người dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước nhiều tai nạn do xe bus gây ra cho xe hai bánh, người đi bộ thời gian gần đây thì không nên có sự ưu tiên này để tránh tăng thêm va chạm gây nguy hiểm.

Chưa được ưu tiên cũng đã… tự ưu tiên!

Tại buổi làm việc giữa HĐND TP với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về khảo sát tình hình trợ giá xe buýt năm 2016 và kế hoạch năm 2016 vừa qua, ông Lê Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM đã nêu vấn đề, để giảm trợ giá cho xe bus thì nên thu hút người dân đến với phương tiện vận tải công cộng. Để thu hút người dân, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, còn phải giải quyết vấn đề xe bus thường trễ giờ. Vì thế, ông Lê Hoàng Minh đưa ra đề xuất nên cho xe bus đi vào đường dành cho xe hai bánh vào những giờ cao điểm để tránh ách tắc giao thông, đồng thời giúp xe bus đến đúng giờ hơn, bớt trở ngại cho hành khách khi tham gia giao thông bằng xe bus. 

Hiện nay, xe bus theo quy định chỉ đi được phép lưu thông ở hai làn phân cho ô tô. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, chuyện xe bus chạy vào luồng dành cho xe hai bánh vào giờ cao điểm là… chuyện thường ngày. Nhiều thời điểm tan tầm, người ta thấy xe máy, xe bus chạy san sát bên nhau, khoảng cách chỉ tính bằng cen ti mét. Đó là chưa kể đến nhiều xe bus mỗi lần đưa, rước khách tại trạm đều tấp vào trạm rất ẩu, tốc độ cao và đột ngột khiến người lưu thông trong làn xe máy trở tay không kịp. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra như vụ xe bus cán qua người đi xe máy ở khu vực chợ Bà Chiểu vì hai xe va chạm nhau, xe máy ngã vào bánh xe bus trong giờ cao điểm. Mới đây nhất, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Nguyễn Kiệm ngày 19/10 khiến một người chết, một người bị thương cũng do xe bus tấp vào trạm đột ngột, khiến hai người lưu thông trong đường xe hai bánh ngã xuống và gặp nạn. 

Không ít trường hợp giờ cao điểm, xe bus phóng nhanh vào làn xe hai bánh khiến người đi xe gắn máy bị ép ngã luôn vào lề. Cuối tháng 9/2016, một vụ ẩu đả suýt xảy ra trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khi xe bus chạy sát vào lề đường, khiến hai người đi xe máy không có đường chạy phải lao luôn vào bảng hiệu quảng cáo…

Danh sách những vụ tai nạn do va chạm giữa xa máy và xe bus khi xe bus lưu thông vào đường xe hai bánh còn nhiều. Nhiều người đi đường thậm chí đã đặt biệt danh cho xe bus là “hung thần đường phố” cũng bởi những vụ việc đáng sợ như trên.

Cần có giải pháp căn cơ

Hiện tại, tỷ lệ trợ giá/chi phí cho xe buýt tương đối cao với tỷ lệ 41%. Đáng nói là, kinh phí trợ giá trên các tuyến xe buýt phổ thông và đưa rước học sinh, sinh viên đều tăng từ 14-15% so với năm 2015, nhưng khối lượng vận tải hành khách công cộng thực hiện tính tới tháng 10 chỉ ước đạt 456 triệu lượt hành khách, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều tuyến xe bus rơi vào tình trạng vắng khách thường xuyên nhưng xe vẫn chạy nhiều, hao phí nhiên liệu cao. Điều này chứng tỏ, xe bus đang giảm lượng khách, tức không nhận nhiều “tín nhiệm” của người dân thành phố. Dự kiến, trong năm 2017, thành phố sẽ cắt giảm ngân sách trợ giá dành cho xe bus. Nếu không có phương án hiệu quả để thu hút người dân thành phố tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng thì có lẽ mọi chuyện sẽ trở nên rất khó khăn.

Quay trở lại với đề xuất cho xe bus đi vào làn xe hai bánh giờ cao điểm, có lẽ đề xuất này chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều phương án thu hút khách của xe bus, và cũng là một phương án không mấy hiệu quả, chưa kể đến việc phát sinh nhiều yếu tố rủi ro cho người tham gia giao thông. Để tăng mức độ hài lòng của người dân đối với xe bus, cần có nhiều giải pháp mang tính căn cơ, giải quyết triệt để những nhược điểm của xe bus hơn nữa. Thành phố cũng đã đưa ra nhiều phương án mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh chất lượng của xe bus, như cải thiện chất lượng xe, đội ngũ lái xe, nhân viên, loại bỏ xe xuống cấp, xem xét lại quy hoạch luồng tuyến để bố trí lộ trình phù hợp, thuận lợi hơn cho người sử dụng, tránh chồng chéo… Một giải pháp cũng đang nhận nhiều đồng tình của người đi xe bus, đó là tăng cường xe bus cỡ nhỏ để chạy những tuyến đường nhỏ cho tiện lợi, đồng thời có thêm xe điện để lưu thông được trong hẻm, đưa đón khách đi xe bus tận nơi.

Hy vọng rằng, thành phố sẽ tích cực và nhanh chóng đẩy mạnh những giải pháp mang tính chất toàn diện để xe bus trở thành phương tiện công cộng được người dân yêu thích, lựa chọn, góp phần giải quyết bài toán ách tắc giao thông đang ngày một trở nên nghiêm trọng.

Đọc thêm