Tăng cường sâu sát cơ sở để kiểm soát tốt hoạt động thi hành án dân sự

(PLO) -  Đó là một trong những giải pháp mà Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu toàn hệ thống THADS thực hiện tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra hôm qua (20/4). Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống THADS triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác. Các cơ quan THADS thi hành xong số việc cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, về việc: tổng số phải thi hành là 629.944 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 459.511 việc, chiếm 72,94%. Thi hành xong 241.770 việc (tăng 16.654 việc), đạt tỉ lệ 52,61% (tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2017). Về tiền: tổng số phải thi hành là trên 158.522 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 92.522 tỷ đồng, chiếm 58,37%. Thi hành xong trên 12.072 tỷ đồng (giảm 4.836 tỷ 096 triệu 212 nghìn đồng), đạt tỷ lệ 13.05% (giảm 5,20% so với cùng kỳ năm 2017). Có 247 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS, trong đó đã thi hành xong 145 việc.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội nghị.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế như: kết quả THADS về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017; lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ; số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật vẫn còn tương đối nhiều; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Là địa phương có lượng án lớn với nhiều đại án kéo dài, Cục THADS TP HCM nêu lên một số khó khăn như các công ty tài chính cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp, không có tài sản bảo đảm, phát sinh nhiều vụ việc nhưng giá trị không lớn. Trong một số vụ án tham nhũng, người phải thi hành án ngồi tù và không hợp tác làm việc với chấp hành viên (CHV). Để nâng cao hiệu quả thi hành án trong 6 tháng cuối năm, Lãnh đạo Cục sẽ tăng cường theo dõi kết quả thi hành án của từng CHV; tập trung thi hành các vụ án lớn; tăng cường biệt phái CHV cho các đơn vị có số lượng án phải thụ lý tăng đột biến. Đồng thời kiến nghị phần mềm thụ lý và giải quyết đơn THADS cần bổ sung việc phân công CHV thụ lý vụ án; sớm ban hành quy trình theo dõi án hành chính, các biểu mẫu theo dõi án hành chính.

Với địa bàn có diện tích lớn, đi lại nhiều khó khăn, Cục THADS Gia Lai tỏ ra lo ngại khi biên chế của cơ quan còn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhất là trong bối cảnh khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng và thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế; thiếu cơ chế bảo vệ CHV trong khi tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao. Do đó, đề nghị Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục sớm bổ sung biên chế cho Cục để giảm bớt áp lực cho cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả thi hành về tiền thấp, Cục THADS Sơn La cho biết là do ngày càng phát sinh nhiều vụ việc phá sản trên địa bàn tỉnh. Thi hành án tín dụng, ngân hàng còn nhiều điểm vướng trong khâu thẩm định tài sản thế chấp, khi tòa ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa hai bên, còn trách nhiệm giải quyết tiếp theo giao cho cơ quan THADS nên vướng về hợp đồng thế chấp, không đề cập tới tài sản của người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn các ngân hàng xem xét đối với trường hợp nợ xấu đã thi hành xong phần gốc và hướng xử lý với phần lãi. Đồng thời, cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy trình chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới tang vật vụ án, quá trình giao nhận và tiêu hủy vật chứng.

Còn Cục THADS Hải Dương đề cập tới nguyên nhân khi chưa đạt các chỉ tiêu đề ra là: án tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn, nhiều tài sản mang tính chất đặc thù khó bán đấu giá; Luật THADS và Luật Phá sản còn một số quy định chồng chéo nên khó xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản… Thời gian tới, Lãnh đạo Cục, Chi cục sẽ yêu cầu các CHV xây dựng kế hoạch chi tiết từng vụ việc; rà soát, lập danh sách các vụ việc có giá trị lớn, xác định rõ nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện. Đặc biệt, phải kiên định phương châm hướng về cơ sở, chủ động nắm tình hình địa phương và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ  theo hướng cầm tay chỉ việc.

Hoan nghênh và ghi nhận kết quả của toàn Hệ thống trong trong 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng tỏ ra băn khoăn khi kết quả về tiền thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017; án chuyển kỳ sau so với cùng kỳ chưa có chuyển biến; kết quả thu hồi tiền các khoản nợ của tổ chức tín dụng còn thấp. Công tác chỉ đạo nghiệp vụ có lúc chưa kịp thời; tình trạng vi phạm tuy đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra; công tác đào tạo bồi dưỡng, kiện toàn chưa được chú trọng…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan THADS phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị phải tập trung giải quyết các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa kê biên được, đối với những vụ việc bán đấu giá không thành cần xem xét toàn diện các nguyên nhân; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong vụ án kinh tế lớn, nếu có tài sản hiện hữu, xác định được thì phải xử lý dứt điểm.

Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các Cục, Chi cục phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường sâu sát với cơ sở đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa để hạn chế sai sót dẫn tới bồi thường nhà nước. Cùng với đó, phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai đồng bộ phần mềm về thụ lý và giải quyết đơn THADS, kịp thời xử lý các thông tin báo chí và vấn đề dư luận quan tâm.

Đọc thêm