Thẩm phán, Kiểm sát viên nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương

(PLO) - Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2018 cho biết, riêng đối với án hành chính, có chuyện Kiểm sát viên, thẩm phán nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương.
Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công
Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công

Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, đối với công tác giải quyết án hành chính, theo Uỷ ban Tư pháp, năm 2018, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính tiếp tục được tăng cường. Số vụ, việc được kiểm sát, nhất là vụ án hành chính tăng so với năm 2017. Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự được Tòa án chấp nhận đạt 83,2%, vượt 13,2% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 37.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án trong một số phiên tòa chưa cao, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai. Kết quả phát hiện vi phạm và kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKS còn hạn chế, chỉ chiếm 27% tổng số vụ, việc Tòa án đã thụ lý theo thủ tục này (246/910 vụ, việc) cho thấy VKS ít phát hiện được vi phạm, chủ yếu vẫn do đương sự khiếu nại hoặc Tòa án tự phát hiện.

Tỷ lệ kháng nghị án hành chính được Tòa án chấp nhận giảm 25%. VKS một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, phần lớn kháng nghị phúc thẩm do VKS cấp trên thực hiện, chiếm tới 44,7% đối với án dân sự  và 46,1% đối với án hành chính.

“Qua giám sát, Ủy ban Tư pháp nhận thấy: một số trường hợp không kháng nghị án hành chính là do Kiểm sát viên nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương. Có những tỉnh, VKS cùng cấp không kháng nghị vụ án nào, đều do VKS cấp trên kháng nghị . Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm giảm mạnh, chỉ đạt 38,4%, giảm 16,3%”, Báo cáo Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Ủy ban Tư pháp cũng nhận định tương tự đối với công tác giải quyết án hành chính trong bản Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành. “Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp thấy, một số Thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Một số Tòa án còn có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, chưa thực hiện đúng một số quy định về thời hạn tố tụng”, Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, việc giải quyết vụ án hành chính tiếp tục gặp nhiều khó khăn do người bị kiện là Chủ tịch UBND, người đại diện của UBND chưa tham gia tố tụng đầy đủ.

Năm 2018, số lượng các vụ án hành chính được Tòa án các cấp thụ lý tăng 32,57%; số lượng các vụ án đã giải quyết tăng 422 vụ, tỷ lệ 44,6%. Cũng như những năm trước, mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 1,98% tổng số các loại án) nhưng tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 44,6%). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan (chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 111 , bị hủy: 2,97%; bị sửa: 3,34%)./ Phạm Diệu

Đọc thêm