Thần linh pháp quyền

(PLVN) - Nửa đầu năm 1919, ở Pháp có một tài liệu được phân phát rộng rãi như tờ truyền đơn cách mạng, đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam  bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở Versailles. 

Bản yêu sách này sau đó đã được Bác Hồ dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát với tên gọi “Việt Nam yêu cầu ca”.  Trong điểm thứ 7 của yêu cầu ca này, Bác viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cũng từ đây, Người đặt nền móng cho một Nhà nước pháp quyền đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.

Trong tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hậu thế sẽ còn tiếp tục học tập, noi theo về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp trị và đức trị. Đức trị chính là gìn giữ, tỏa sáng đạo đức cách mạng và đạo đức công vụ. Là tình yêu thương bao la dành cho Tổ quốc, dân tộc và con người Việt Nam ở mọi giai tầng. Và chính tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ với truyền thống đạo đức dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại để đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Còn pháp trị, hạt nhân chính là thần linh pháp quyền, thượng tôn pháp luật, quản lý xã hội, nhà nước bằng pháp luật. Bác xem pháp quyền như một vị thần tối cao, bất khả xâm phạm. Khi xem pháp quyền như một thần linh, thì mọi sự mạo phạm đến thần linh đều bị trừng phạt. Pháp luật là tối thượng, không một ai có quyền dẫm đạp, đứng trên pháp luật. Pháp luật là thần linh có sức mạnh vô song.

Thần linh pháp quyền, theo tư tưởng của Bác, không chỉ là Nhà nước pháp quyền, mà còn phải là xã hội pháp quyền, ở đó, tất cả cán bộ, công chức và người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Sự kiên cường dân tộc, kết hợp với thần linh pháp quyền sẽ cho dân tộc ấy có sức mạnh vô địch. Nó là sự kết hợp giữa văn hóa, giữa tinh thần dân tộc và pháp luật.

Dù có một tình thương bao la, nhân ái với cả cỏ cây, vạn vật nhưng không có kỷ luật, không có thần linh pháp quyền thì không thể nào lãnh đạo, quản lý và điều hành đất nước. Vụ án Trần Dụ Châu nguyên Giám đốc Nha Quân nhu bị xử tử vì tội tham nhũng năm 1950 là một trong những minh chứng cho tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác. Trần  Dụ Châu bị tuyên án tử và có đơn xin ân xá gửi lên Bác, nhưng đã bị khước từ: “Một cái u nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ không để nó lây lan nguy hiểm”, Người nói.

Thần linh pháp quyền hơn bao giờ hết phải được phát huy để quản lý xã hội, xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Và trên thực tế công cuộc chống tham nhũng hiện nay, Đảng ta mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trở thành một “người đốt lò” vĩ đại, để “củi tươi vẫn cháy” khi xử lý hàng loạt các vụ án tham ô, tham nhũng. Với tinh thần thần linh pháp quyền, các đại án tham nhũng đã không có vùng cấm. Nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao, cấp chiến lược cũng đã bị xử lý một khi đánh mất sự liêm chính trong mình.

Tiến sỹ Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
 Tiến sỹ Đào Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của Chính phủ hiện nay, với tư duy một nhà nước hành động và kiến tạo, thần linh pháp quyền chính là sự hiện hữu trong các hành động rất cụ thể. Nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid -19 vừa rồi, nếu không có sự nghiêm minh của pháp luật thì làn sóng thứ 3 Covid-19 sẽ lại bùng lên mạnh mẽ. Không có việc khởi tố vụ án hình sự với nam tiếp viên hàng không kia về tội làm lan truyền dịch bệnh thì sẽ vẫn có những kẻ xem thường phép nước, để rồi chính nó lại làm đe dọa đến an nguy của cả dân tộc. Không có quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị và sự nghiêm minh của luật pháp thì chưa biết giờ này đất nước chúng ta sẽ phải bi đát và quay cuồng thế nào trong sự tấn công của giặc bệnh Covid -19.

Và như vậy sức mạnh Việt, tinh thần Việt được chắp cánh bởi giá trị của thần linh pháp quyền. Chính điều này sẽ khiến cho đất nước ta, dân tộc ta đã kiên cường sẽ kiên cường hơn, đã mạnh mẽ sẽ mạnh mẽ hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

Thần linh pháp quyền, thực sự có ý nghĩa lớn lao, gắn với công tác Tư pháp  trong giai đoạn mới. Như tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948, Bác Hồ đã có thư gửi Hội nghị, trong đó Người nhấn mạnh: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính.

Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo…”. Và  “Phụng công thủ pháp - Chí công vô tư” trong công tác tư pháp hiện tại chính là một biểu hiện quan trọng trong tư tưởng Thần linh pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ngành Tư pháp đã và đang hiện thực hóa tư tưởng này, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở giai đoạn mới hiện nay.

Thần linh pháp quyền như kim chỉ nam cho các hoạt động cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân noi theo để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng trong xây dựng đất nước thời kỳ mới. Tại bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Thần linh pháp quyền chính là một hệ giá trị như vậy. Sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, chắc chắn sẽ phải có đôi cánh của thần linh pháp quyền kết hợp với tinh thần đức trị, để đất nước vững vàng tiến lên về phía trước… 

TS Đào Văn Hội

Đọc thêm