Tháng cao điểm cả nước phòng chống bạo lực gia đình

(PLO) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề gia đình. Theo Người, gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS.Trần Tuyết Ánh.
TS.Trần Tuyết Ánh.

Ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. 

Năm 2016 là tròn 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam đi vào cuộc sống với nhiều thành tựu nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. TS.Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trao đổi những vấn đề xung quanh ngày đặc biệt này.

15 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác gia đình, đặc biệt là 5 năm gần đây được đánh giá là rất quan trọng với công tác gia đình trong lĩnh vực xây dựng, kiện toàn hệ thống văn bản và triển khai văn bản quy phạm pháp luật. Xin bà cho biết cụ thể?

- Năm 2002, Vụ Gia đình - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác gia đình được chính thức thành lập và hoạt động. Kể từ đó, công tác gia đình từng bước định hình, đạt được một số kết quả. Hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực gia đình được dần hoàn thiện với sự ra đời của 03 bộ luật, 01 nghị quyết và 03 nghị định của Chính phủ, 01 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 09 quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, chương trình, đề án, 05 thông tư.  

Có thể nói 5 năm gần đây là giai đoạn để lại dấu ấn sâu đậm nhất của công tác gia đình trên lĩnh vực xây dựng và kiện toàn hệ thống văn bản và triển khai văn bản quy phạm pháp luật. Hàng loạt văn bản quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Nghị định về công tác gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ; Quy chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ; Chương trình giáo dục đời sống gia đình...  

Tại Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”, vì vậy công tác gia đình còn cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, bám sát thực tiễn, tính khả thi cao... 

Công tác gia đình được các địa phương quan tâm hơn, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của công tác gia đình. Tình hình bạo lực gia đình ở các địa phương đã có dấu hiệu giảm dần về số vụ, nhận thức của người dân về pháp luật được nâng cao năm sau cao hơn năm trước. Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, có tính lan tỏa sâu rộng.

Nhận thức của người dân về gia đình PCBLGĐ được nâng lên rõ rệt với ý thức xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng dân cư. Sự chủ động phối hợp của các cấp, các ngành trong việc lồng ghép tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó chú trọng đến nội dung xây dựng mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, cụ thể gắn với thực tiễn cuộc sống.

Năm 2016 là năm thứ 15 Ngày Gia đình Việt Nam đi vào cuộc sống với nhiều thành tựu nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Vậy những khó khăn, hạn chế của công tác gia đình hiện nay là gì, thưa bà?

- Bên cạnh những thuận lợi, công tác gia đình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như: đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp còn thiếu, cấp huyện và cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình, bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hiện tại có biến động lớn dẫn đến tình trạng không chỉ thiếu hụt cán bộ mà còn thiếu hụt cả kiến thức, kỹ năng làm việc; kinh phí đầu tư cho công tác gia đình chưa được phân bổ tương ứng với nhiệm vụ chính trị được giao, tình trạng cấp huyện, cấp xã không có kinh phí phân bổ từ đầu năm cho công tác gia đình diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là những tỉnh khó khăn. 

Các hộ gia đình đã và đang chịu tác động rất mạnh từ những yếu tố bên ngoài cũng như từ chính bản thân mỗi người dẫn đến những mâu thuẫn xung đột về lợi ích, về nhu cầu, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong gia đình, tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình, gia đình có yếu tố nước ngoài, tảo hôn, kết hôn cận huyết, mang thai hộ, mất cân bằng giới tính khi sinh,...

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, vậy Bộ VHTT&DL đã có kế hoạch gì trong triển khai Tháng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện PCBLGĐ trong giai đoạn mới 2016-2020?

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 08/3/2016 lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ, trong đó: Ưu tiên nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020. Nghiên cứu đưa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ trên địa bàn từ ngày 01/6/2016 đến ngày 30/6/2016 theo chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong PCBLGĐ”. 

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 16/5/2016 ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ và Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 08/6/2016 phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020. Trên cơ sở các văn bản này, hoạt động PCBLGĐ chắc chắn sẽ tiếp tục được triển khai tích cực hơn với sự phối hợp chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn của các cơ quan trung ương và địa phương; nội dung về giáo dục đời sống gia đình sẽ cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung, những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình, kiến thức, giáo dục đời sống trong gia đình trẻ, gia đình trung niên, gia đình người cao tuổi. 

Xin cảm ơn TS!

Đọc thêm