Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm việc tại Đà Nẵng: Sẽ kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong áp dụng pháp luật

(PLO) -  Hôm nay (1/10), Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng về tình hình và kết quả thực hiện công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính tại địa phương.  Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên và  lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của Tp. Đà Nẵng cùng tham dự buổi làm việc. 
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc

Đã quan tâm nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, tại địa phương, việc xử lý phương tiện giao thông vi phạm hành chính (VPHC) do Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Thành phố không ban hành quyết định tạm giữ phương tiện VPHC mà chủ yếu Công an thành phố thực hiện tạm giữ phương tiện VPHC.

Qua rà soát, kết quả ghi được, tổng số phương tiện VPHC bị tạm giữ từ 1/1/2017 đến 31/8/2018 có 6.511 phương tiện (số phương tiện quá thời hạn tạm giữ: 2.395 phương tiện). Đối với phương tiện bị tạm giữ từ 2016 trở về trước, số trả chủ sở hữu có 404/4.407; tiêu hủy: 375/4.407; bán đấu giá: 2.696/4.407; chưa xử lý được: 932/4.407 (chuyển sang giai đoạn 1/1/2017 đến 31/8/2018)....

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng nhìn nhận, công tác thực thi pháp luật về xử lý các phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đã được lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được được những kết quả quan trọng.

Mặc dù vậy, kết quả thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thứ trưởng chia sẻ, trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế trên thực địa, một số điểm trong giữ phương tiện vi phạm hành chính và kiểm tra các hồ sơ xử lý các phương tiện vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp tạm giữ, hình thức xử phạt tịch thu. Về cơ bản, qua khảo sát Đoàn công tác cũng đã nhận thấy được những ưu điểm cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cũng như xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ do vi phạm hành chính trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Đà Nẵng là nơi tập trung rất đông dân cư từ các địa phương về sinh sống và làm việc; trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao thông chưa thể đáp ứng được nhu cầu xã hội, ý thức pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Do đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng diễn ra phổ biến; đặc cách hành vi vi phạm phải tạm giữ, tịch thu phương tiện... dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi trông giữ phương tiện, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Đà Nẵng mong các văn bản pháp luật liên quan tiếp tục được hoàn thiện

Qua ý kiến của Thứ trưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên có kiến nghị, đối với Bộ Tư pháp, tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu quy định giao người sử dụng quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm để giảm tình trạng quá tải tại các nơi trông giữ xe vi phạm và đảm bảo thi hành Quyết định xử phạt. Bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục tịch thu đối với tài sản bị tịch thu do vi phạm pháp luật hình sự và hành chính để cơ quan chức năng tập trung vào việc phát hiện các vi phạm pháp luật

Đối với Bộ Công an, Thành phố mong muốn kịp thời có Thông tư hướng dẫn áp dụng Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là vấn đề biểu mẫu để thống nhất thực hiện, không để xảy ra tình trạng lúng túng trong việc áp dụng thực hiện của cơ quan Công an các địa phương. Có văn bản hướng dẫn Công an các địa phương trong việc giải quyết các phương tiện giao thông quá thời hạn tạm giữ để có cơ sở thực hiện, đặc biệt có hướng giải quyết một số trường hợp cụ thể như: phương tiện có số khung, số máy bị đục lại hoặc những phương tiện không có nguồn gốc, xuất xứ; người vi phạm hành chính không đến để nhận lại phương tiện do đi tù, đi nước ngoài, bị chết; trường hợp phương tiện là tang vật của vụ án hình sự…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết Thành phố mong muốn kịp thời có Thông tư hướng dẫn áp dụng chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết Thành phố mong muốn kịp thời có Thông tư hướng dẫn áp dụng chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đồng thời, cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc cho phép người vi phạm nộp tiền bảo lãnh để tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính. Quan tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc giải quyết các khó khăn vướng mắc, trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính; bố trí, bổ sung nguồn kinh phí và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho công tác xử lý tang vật, phương tiện đạt hiệu quả cao nhất.

Cần quyết liệt tạo sự chuyển biến trong công tác xử lý vi phạm hành chính

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng cho biết, Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình làm việc với Đoàn. Trong phạm chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề mà địa phương kiến nghị, phản ánh. 

Bên cạnh đó, từ thực tế đã nêu, cùng với yêu cầu tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện trong công tác thực thi pháp luật về xử lý các phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu năm 2018 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng đề nghị Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành đối với việc thực thi công tác này.

Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục chỉ đạo một cách quyết liệt các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 5967/VPCP-PL. về việc áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến tạm giữ, tịch thu và xử lý các phương tiện bị tạm giữ, tịch thu tại địa phương.

Về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật về tạm giữ, tịch thu và xử lý các phương tiện bị tạm giữ, tịch thu... UBND TP. Đà Nẵng hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cần chủ động, kịp thời gửi văn bản cho các Bộ, ngành trung ương (Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính) để phối hợp giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp liên ngành để trực tiếp trao đổi, thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, cần chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là các quyết định xử phạt có liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính tạm giữ phương tiện và hình thức xử phạt tịch thu phương tiện để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đọc thêm